Có nhiều ý kiến băn khoăn về việc dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và truy đuổi người vi phạm nếu không chấp hành dừng xe, bỏ chạy.

Traffic police photo.jpg
Có không ít trường hợp CSGT bắt được kẻ phạm tội nhờ truy đuổi người vi phạm bỏ chạy. Ảnh: Hoàng Hà

Phải khẳng định việc truy đuổi kẻ phạm tội hoặc những người cố tình chống đối lực lượng CSGT khi thực thi công vụ là rất cần thiết. Thực tế đã có không ít trường hợp CSGT truy đuổi, bắt được người vi phạm lỗi giao thông nghiêm trọng hoặc kẻ phạm tội. Nhưng cũng có những trường hợp, do bị đuổi bắt, mà kẻ phạm tội liều lĩnh bỏ chạy, gây tai nạn cho người khác hoặc gây tai nạn cho lực lượng truy đuổi. 

Bên cạnh đó là số vụ chống người thi hành công vụ trên các tuyến giao thông ngày một tăng. Đặc biệt, các đối tượng hung hãn, côn đồ chống lại CSGT khi có hiệu lệnh dừng phương tiện. 

Khi truy đuổi những đối tượng này, nếu không may người bị truy đuổi bị tai nạn thì người khổ nhất lại chính là lực lượng CSGT. Họ phải giải trình “lên bờ xuống ruộng” với cơ quan chức năng để làm rõ tại sao truy đuổi? Việc truy đuổi có cần thiết hay không và nghiêm trọng hơn thì…ra tòa.

Còn trong trường hợp CSGT bị tai nạn, bị thương tật hoặc thậm chí bị tử vong thì những thiệt thòi lớn đến với họ và gia đình là hiện hữu. 

Đây là một vấn đề rất không bình thường trong xã hội hiện nay. 

Tại các nước văn minh, hành vi chống đối lại người thi hành công vụ hoặc bỏ trốn khi có hiệu lệnh dừng phương tiện có thể bị tiêu diệt ngay. Không ai dám chất vấn “việc đó của cảnh sát đúng hay sai”. Sở dĩ, họ làm nghiêm được như vậy là bởi luật quy định rất rõ ràng, minh bạch. 

 

Traffic police 2005.jpg
Hiện luật chỉ cho phép CSGT dừng xe của người điều khiển vi phạm một cách an toàn. Ảnh: Hoàng Hà

Không ai dám truy đuổi

Còn chúng ta, luật pháp có điểm chưa rõ ràng, hiểu thế này cũng được, hiểu thế kia cũng không sao. Thậm chí, nhiều khi luật pháp còn được hiểu theo ý muốn của từng người. Đây là cái khó cho lực lượng thi hành công vụ. Chính vì thế, cần phải có những điều luật, những quy định cực kỳ cụ thể và lường trước được những tình huống phát sinh.

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể nào về việc cho phép CSGT truy đuổi người vi phạm giao thông mà chỉ cho phép CSGT dừng xe của người điều khiển vi phạm một cách an toàn. Trường hợp vi phạm hành chính đơn thuần, CSGT có thể áp dụng các biện pháp khác để xử lý người vi phạm bỏ chạy như thông báo để các trạm, tổ tuần tra đang chốt chặn phía trước yêu cầu dừng phương tiện vi phạm; ghi lại biển số hoặc thông qua camera giám sát để phạt nguội…

Việc truy đuổi người vi chỉ diễn ra trong trường hợp truy đuổi tội phạm hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông khác.

Còn tại Điều 8, Thông tư số 65/2020/TT-BCA quy định về quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát còn “nghiêm khắc” hơn đối với CSGT. Đó là  t CSGT rượt đuổi khiến người vi phạm ngã xe tử vong sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ và áp dụng hình phạt tù từ 5 - 15 năm tùy vào mức độ của hành vi phạm tội. Ngoài ra, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, 1-5 năm.

Với những điều luật này, quy định này thì ai còn dám dũng cảm đuổi bắt tội phạm.

Tất nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, bây giờ có thể dùng hình thức phạt nguội hoặc ghi hình và tổ chức truy bắt sau... Những ý kiến kiểu này chỉ đúng một phần nhỏ. Nếu trong trường hợp người bỏ chạy là kẻ phạm tội nguy hiểm thì sao? 

Vì thế, việc này cần có khung pháp lý rõ ràng.  Chỉ như thế, lực lượng CSGT hoặc những lực lượng khác, khi cần thiết phải truy đuổi kẻ phạm tội sẽ yên tâm hơn khi đã có “cây gậy pháp lý”. Nếu không có các quy định cụ thể, trong đó có tính đến các mức độ rủi ro cho CSGT và kể cả người vi phạm sẽ chẳng có cảnh sát nào truy đuổi người vi phạm ngang nhiên bỏ chạy khi bị yêu cầu dừng hành vi vi phạm.