Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành phát phiếu lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc lấy ý kiến người dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát mà còn góp phần quan trọng phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Thực tế cho thấy, ý kiến hài lòng của người dân tỉnh Hải Dương chiếm tỷ lệ rất cao. Hầu hết người dân đều hài lòng với những thành quả từ Chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại. Những ý kiến đóng góp đều được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp thu và gửi đến chính quyền địa phương để sớm khắc phục.
Theo ông Nguyễn Hữu Đáng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, việc tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới không chỉ để hoàn thiện thủ tục theo quy định, mà còn nhằm mục tiêu lớn nhất là bảo đảm công tác xây dựng nông thôn mới ở địa phương thực chất, khách quan, phục vụ chính người dân.
Từ đầu năm nay, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện Nam Sách, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Kim Thành, Thanh Hà, Tứ Kỳ tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với tỷ lệ hài lòng đều đạt theo quy định, một số địa phương đạt tới 100%. Mức độ hài lòng của người dân phản ánh sự cố gắng, nỗ lực, thành quả xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương.
Đơn cử như tại xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc vừa được đề nghị công nhận nông thôn mới nâng cao có tỷ lệ hài lòng của người dân đạt từ 99,18% trở lên. Những vấn đề về giáo dục, văn hóa, chất lượng cuộc sống… đạt tỷ lệ 100%. Tuy nhiên, vấn đề thu gom, phân loại rác thải trong khu dân cư và các làng nghề vẫn có người dân chưa hài lòng.
Kịp thời nắm bắt vấn đề này, địa phương đã thành lập tổ thu gom rác thải sinh hoạt trong dân và ở các làng nghề sản xuất giày da. Rác thải được thu gom và xử lý đúng quy định, không còn tình trạng đốt rác thải gây ô nhiễm môi trường như trước. Từ đó, người dân bày tỏ sự hài lòng về tiêu chí môi trường.
Năm 2022 và 2023, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc lần lượt đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Qua lấy ý kiến của 1.983 hộ tại xã, chiếm 83,9% tổng số hộ trên địa bàn xã về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tỷ lệ hài lòng của người dân từ câu hỏi số 1 đến câu số 9 liên quan đến phát triển kinh tế, giao thông, kiến trúc nhà ở, thu nhập bình quân đầu người... đều đạt từ 99,6% trở lên.
Mỗi chương trình, kế hoạch địa phương đưa ra đều được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Địa phương quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho người lao động. Xã cũng dẫn đầu tỉnh về diện tích nhà màng, nhà lưới, trồng trọt theo hướng công nghệ cao. Thu nhập bình quân của người dân đạt 75,8 triệu đồng/năm, cao hơn 1 triệu đồng so với quy định của tỉnh đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Tương tự, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang đón chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Nhân dân phấn khởi bởi Tân Hồng là địa phương đầu tiên trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ xây dựng nông thôn mới, môi trường thôn, xã trở nên trong lành, đường làng, ngõ xóm được mở rộng, an ninh bảo đảm, thu nhập của người dân được nâng cao… Đặc biệt, các thiết chế về văn hoá, đời sống tinh thần của người dân được quan tâm đầy đủ, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Là xã kiểu mẫu về văn hoá, ngoài nguồn vốn ngân sách, xã Tân Hồng đã huy động gần 20 tỷ đồng từ các nhà tài trợ và nhân dân để nâng cấp, xây dựng các công trình di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Các thôn đều có câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ hoạt động thường xuyên. Hằng năm, xã đều tổ chức hội diễn văn nghệ, hội thao thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của địa phương... Điều này chứng tỏ, nông thôn mới kiểu mẫu ở Tân Hồng mang đến sự hài lòng rất lớn cho người dân.