Nhận định trên được các giảng viên cũng như chuyên gia đưa ra tại phiên tọa đàm trong khuôn khổ Ngày hội công nghệ, hưởng ứng Tuần lễ đổi mới sáng tạo thế giới, được tổ chức tại TP.HCM vừa qua.
Cần một mô hình giáo dục ngắn hạn cho các công nghệ mới
Một câu hỏi được đặt ra cho các giảng viên, chuyên gia là làm thế nào để đào tạo nhanh nguồn nhân lực về các công nghệ mới trong thời điểm công nghệ thay đổi chóng vánh như hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực AI, Blockchain hay bán dẫn, hướng đến mục tiêu đào tạo từ 50.000 đến 100.000 nhân lực trong thời gian tới.
Theo TS Nguyễn Thanh Bình, quản lý chương trình cao cấp, Đại học RMIT, một trong những điểm yếu của đào tạo nhân lực công nghệ hiện nay tại Việt Nam chính là thiếu nền tảng. Nói về giáo dục, cần nghiên cứu sâu về chiều sâu công nghệ và áp dụng công nghệ trong cả tài chính lẫn kinh doanh. Điều này rất quan trọng và ở đây, nền tảng chính là nghiên cứu.
Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, vấn đề của các trường đại học là nghiên cứu đề tài gì khi công nghệ đang phát triển quá nhanh. Hướng giải quyết là phải làm cùng lúc với các doanh nghiệp. Nhìn vào bài toán hiện tại của các doanh nghiệp và nền kinh tế để nghiên cứu và tìm ra lời giải cho bài toán đó. Cần tạo ra nền tảng và dựa trên nền tảng để có phương pháp giáo dục mới.
Đại diện đến từ Đại học RMIT cho rằng, phải nghĩ đến câu chuyện tiến hóa mô hình giáo dục, sinh viên không cần phải mất 3-4 năm mới học xong một ngành. Cụ thể, cần những mô hình giáo dục có thời gian ngắn hơn, chẳng hạn để đào tạo 100.000 nhân lực công nghệ mới như AI, Blockchain trong 6 tháng, cần chọn lựa những người đang đi làm để họ cập nhật các kiến thức mới và chuyên sâu vào một mảng nhất định.
“Chúng ta không có cách nào để đào tạo 100.000 sinh viên với kiến thức công nghệ mới nhất trong 3-4 năm tới. Ở đây, lời giải là đưa ra các sản phẩm, mô hình mới về giáo dục dành cho những người đang đi làm và đào tạo họ trong thời gian 6 tháng”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.
Ông Vũ Anh Tuấn đến từ Hội Tin học TP.HCM (HCA) cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông, chúng ta liên tục phải đuổi theo công nghệ và trong đào tạo nhân lực cũng vậy. Chẳng hạn, lúc Intel xây nhà máy bán dẫn ở Việt Nam, họ phải dành 1 năm tuyển dụng nhân lực và đưa ra nước ngoài đào tạo chuyên sâu để nhân lực đáp ứng được công việc tại nhà máy. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được điều này. Cho nên, giải pháp ở đây là tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn bằng cách lựa chọn những kỹ sư đã có kinh nghiệm 5-10 năm để đào tạo ở lĩnh vực mới trong khoảng thời gian một năm.
Theo TS Lê Khánh Duy, Trưởng nhóm nghiên cứu tương tác người-máy, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), một khó khăn trong việc đào tạo các công nghệ mới tại Việt Nam là các trường đào tạo thiếu máy móc để dạy các model, mô hình… Giải pháp của các trường hiện nay là nhờ cậy sự giúp đỡ của các giáo sư quốc tế, tiến hành hợp tác liên ngành, liên trường, dùng chung cơ sở hạ tầng... để sinh viên vừa được thực hành công nghệ mới nhất, vừa tiếp cận được kiến thức ở cấp độ thế giới.
Ông Lê Khánh Duy chia sẻ, trong ngắn hạn, có thể thấy sinh viên tiếp thu công nghệ mới rất nhanh. Tuy nhiên, việc các sinh viên giỏi sau khi tốt nghiệp có lựa chọn con đường du học và có quay trở lại hay không là một vấn đề cần đặt ra.
Đại diện đến từ Đại học Khoa học Tự nhiên hy vọng cơ chế sẽ thay đổi ở cả lĩnh vực công tư để giữ người tài ở lại nghiên cứu, cống hiến, giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, xã hội chứ không đi ra nước ngoài. Trong tương lai, có thể kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp để đào tạo đội ngũ chuyên gia tại Việt Nam.
Tập trung cho giáo dục cộng đồng
Một khía cạnh khác về đào tạo nhân lực công nghệ mới được bà Lynn Hoàng, Giám đốc Quốc gia Binance Việt Nam đưa ra chính là tập trung nhiều cho giáo dục cộng đồng.
Cụ thể, Binance tin rằng việc phổ cập công nghệ mới như Blockchain cho tất cả sinh viên, đa ngành nghề đặc biệt quan trọng. Đó là lý do Binance Academy được thiết kế để phục vụ cộng đồng, số đông những người muốn tìm hiểu từ cơ bản đến nâng cao. Để làm được điều này, đầu tiên cơ sở đào tạo phải khiến mọi người thấy thích thú, nhìn thấy những giá trị thực, sau đó ai có nhu cầu, đam mê có thể tiếp tục đào sâu.
Theo bà Lynn Hoàng, việc này đòi hỏi nhiều cách tiếp cận khác nhau, từ kho dữ liệu mở cho cộng đồng đến các khóa học có kiểm tra và cấp chứng nhận hay các chương trình kết hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu trên khắp cả nước.
Tại Việt Nam, Binance đã phối hợp với hơn 20 trường đại học trên khắp 7 tỉnh thành phố, đưa kiến thức về công nghệ mới đến hơn 5.000 sinh viên. Tất cả nội dung, giáo trình chia sẻ đều được thiết kế và trình bày dưới sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ giảng viên để đảm bảo phù hợp nhất với sinh viên.