Tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (27/4/1963-27/4/2023), Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá, trên chặng đường 60 năm qua, VCCI là tổ chức tiên phong trong phát động và triển khai nhiều hoạt động quan trọng vì sự phát triển của doanh nghiệp.
Hướng về tương lai, sứ mệnh của doanh nhân rất nặng nề trước mục tiêu và khát vọng của dân tộc. Tháng 1/2021, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Tháng 12/2021, Đại hội VCCI lần thứ VII đưa ra tầm nhìn: Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng. Sự thịnh vượng của một quốc gia luôn gắn liền với sự phát triển vững mạnh của cộng đồng doanh nghiệp.
Để thực hiện điều này, VCCI cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chính sách, tham gia hoàn thiện môi trường thể chế để nuôi dưỡng, phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Phạm Tấn Công khẳng định, VCCI sẽ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy doanh nhân, doanh nghiệp tự nỗ lực vươn lên phát triển, xứng đáng với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh thúc đẩy phát triển số lượng, cần vun đắp hình thành các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành, những “sếu đầu đàn” dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công.
Mỗi doanh nhân phải luôn trăn trở với vận mệnh đất nước
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, VCCI là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước. Liên đoàn đã kịp thời nắm tình hình, phản ánh và đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; góp ý phản biện, giám sát thực thi các chính sách. Liên đoàn còn nghiên cứu, khảo sát, công bố năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năng lực khai thác các hiệp định FTA của doanh nghiệp Việt Nam, việc cải cách thủ tục hành chính trong kinh doanh...
Liên đoàn là tổ chức đại diện quốc gia của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đã có hệ thống chi nhánh tại các vùng miền trong cả nước, có mạng lưới hội viên với trên 200 hiệp hội doanh nghiệp và trên 200.000 doanh nghiệp.
Chủ tịch nước khẳng định: "Sự nỗ lực của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cùng cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện cho sự phát triển, lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Xác định đội ngũ doanh nhân là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân vẫn còn những hạn chế, bất cập về kiến thức, sự am hiểu pháp luật, năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập. Một bộ phận doanh nhân thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật; vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm đã thỏa hiệp, thậm chí cấu kết với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy quản lý nhà nước làm phát sinh thêm các tiêu cực xã hội.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, mỗi lực lượng trong xã hội đều có vị trí, vai trò quan trọng nhưng "để đất nước giàu mạnh thì phải trông chờ vào đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp". Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có kiến thức và trình độ, có ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc mạnh mẽ, có bản lĩnh vững vàng, khả năng hội nhập cao là trăn trở và ưu tiên của Đảng, Nhà nước.
Người đứng đầu Nhà nước cho rằng, phải xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt từ 60-65%.
"Mỗi doanh nhân phải luôn trăn trở với vận mệnh đất nước, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, nhận thức rõ cơ hội và thách thức để phát triển doanh nghiệp", Chủ tịch nước chia sẻ.
Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường đoàn kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng... tạo sức mạnh của thương hiệu Việt trên thương trường, hội nhập quốc tế thành công; mở rộng liên kết, hợp tác với các đối tác quốc tế theo tinh thần "cùng thành công, cùng thắng".
Chủ tịch nước lưu ý cần tuân thủ pháp luật, luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp, của cá nhân gắn liền với lợi ích của đất nước, lợi ích cộng đồng, là điều kiện để doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững. Mỗi doanh nhân phải nhận thức sâu sắc về pháp luật, biết điều gì đúng nên làm để phát huy, điều gì sai không nên làm.
Chủ tịch nước nêu: "Việc xử lý sai phạm đối với một số doanh nghiệp, cá nhân trong thời gian qua chính là yêu cầu đề cao thượng tôn pháp luật, là việc bắt buộc phải làm để môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, công bằng, minh bạch hơn cho các doanh nghiệp, để lợi ích chính đáng thuộc về người làm ra nó và xã hội, để loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất trong cơ quan nhà nước".
Chia sẻ về những thách thức, khó khăn, Chủ tịch nước cho biết, đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp, doanh nhân tự đổi mới để trở nên mạnh mẽ hơn, vượt qua khó khăn, xây dựng bằng được uy tín của thương hiệu Việt.
"Phát triển doanh nghiệp không chỉ hướng tới tạo ra các tỷ phú mà hơn nữa còn phải tạo ra các tập đoàn kinh tế lớn, có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế, sở hữu các công nghệ tiên tiến, công nghệ lõi, hoạt động ở tầm đa quốc gia", Chủ tịch nước bày tỏ.
Chủ tịch nước giao nhiệm vụ cho VCCI tiếp tục thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp, đẩy mạnh tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu; tập hợp, kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.