Diễn giả Kim Thoa - CEO Tân Việt Books, người có kinh nghiệm “truyền lửa văn hóa đọc”, chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích cho phụ huynh và các em nhỏ tại sự kiện Chờ đến mẫu giáo thì đã quá muộn.
Từ những kiến thức khoa học đọc được do các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục học, thần kinh học như Montessori, Glenn Doman, Shichida... đúc kết, bà Thoa khẳng định, việc nuôi dạy trẻ nên bắt đầu càng sớm càng tốt, ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ. Thời kỳ dưới 6 tuổi là thời điểm vàng để con phát triển não bộ và hình thành tư duy. Nếu cha mẹ bỏ qua thời điểm này là lỡ mất cơ hội quý giá nhất để nuôi dạy con.
Với gần 20 năm kinh nghiệm trong ngành sách và phát triển văn hóa đọc cộng đồng, bà Kim Thoa cho biết bán cầu não phải chứa đựng các năng lực siêu nhiên, vượt trội của con người. Nếu được kích hoạt đúng thời điểm, nó sẽ giúp trẻ phát huy các năng lực thuộc về thiên tài. Sau giai đoạn này, bán cầu não phải gần như đóng lại, nhường chỗ cho hoạt động của bán cầu não trái.
Sự khác biệt giữa não bộ của một người bình thường với một thiên tài nằm ở cách tác động, kích thích bằng ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh… từ bên ngoài vào bên trong thông qua 5 giác quan. Trong 5 giác quan đó, hoạt động đọc có liên quan trực tiếp tới 3 giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác). Vì thế, theo bà Kim Thoa, việc cho trẻ đọc sách từ nhỏ là điều rất nên làm.
Một ví dụ điển hình về thói quen đọc sách mà bà Kim Thoa nhận thấy là người Do Thái. Dân tộc này chỉ chiếm 0,2% dân số thế giới nhưng lại sở hữu hơn 20% giải Nobel. Người Do Thái còn có ba nghi lễ đặc biệt liên quan đến sách: lễ hôn sách, lễ chôn sách và lễ trưởng thành khi trẻ 3 tuổi. Trong những ngày lễ đặc biệt đó, đều có sự xuất hiện của sách.
Từ ví dụ này, bà Kim Thoa cho rằng dạy trẻ đọc sách không chỉ giúp học ngôn ngữ và âm thanh mà còn kích thích các năng lực vượt trội trong bán cầu não phải. Đây là hoạt động cần thiết để phát triển trí tuệ và tạo nền tảng cho tư duy cho trẻ trong tương lai.
Theo bà Thoa, cha mẹ nên chủ động hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ giai đoạn ấu thơ. Điều này giúp trẻ phát triển niềm khao khát khám phá và tìm hiểu thế giới xung quanh khi lớn lên. Thói quen này được hình thành từ việc lặp đi lặp lại hành động từ nhỏ.