Chiều 14/8, tiếp tục phiên họp 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lưu ý nhiều nội dung liên quan đến đội ngũ giáo viên.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến

Đoàn giám sát nhìn nhận, ngành giáo dục, ngành nội vụ và các địa phương quan tâm, đề xuất nhiều giải pháp để bổ sung biên chế giáo viên; sửa đổi, hoàn thiện cơ chế tuyển dụng lao động để giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên...

Việc xây dựng, củng cố đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là một trong những yếu tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Tuy nhiên, theo ông Vinh, tình hình thực tiễn đội ngũ giáo viên hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng tới việc triển khai Nghị quyết 88/2014 và Nghị quyết 51/2017 của Quốc hội.

Cụ thể như số lượng giáo viên chưa đáp ứng được định mức theo quy định. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn tích hợp, môn học mới (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục do nhiều nguyên nhân.

Việc bố trí biên chế, tuyển dụng, hợp đồng, điều chuyển giáo viên, xây dựng đề án vị trí việc làm,… còn khó khăn. Chính sách chung về biên chế, lương so với mức sống tại thành phố không phù hợp nên khó tuyển dụng giáo viên…

Đoàn giám sát dẫn con số, cả nước còn thiếu 106.945 giáo viên, trong đó thiếu 62.877 giáo viên phổ thông. Cụ thể, cấp mầm non thiếu 44.068 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 32.943, cấp trung học cơ sở thiếu 18.097, cấp trung học phổ thông thiếu 11.837 giáo viên.

Bên cạnh đó, số giáo viên thừa cục bộ 5.091 người. Trong đó cấp tiểu học thừa cục bộ 2.302 giáo viên, cấp THCS thừa cục bộ 2.650 giáo viên, cấp THPT thừa cục bộ 139 giáo viên.

Đoàn giám sát cũng dẫn con số, đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ; cấp THCS, môn Lịch sử và Địa lý thiếu 6.631 giáo viên, thừa 375 giáo viên; môn Khoa học tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên, thừa 4.627 giáo viên; môn Nghệ thuật thiếu 4.321 giáo viên, thừa 885 giáo viên…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục cũng cho biết, chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho đa số địa phương thấp hơn so với nhu cầu thực tế. 

Tỷ lệ giáo viên/lớp các trường phổ thông công lập thấp hơn định mức. Tỷ lệ giáo viên/lớp học cấp tiểu học bình quân đạt 1,32 giáo viên/lớp, thấp hơn định mức là 1,5 giáo viên/lớp; cấp trung học cơ sở bình quân đạt 1,81 giáo viên/lớp, thấp hơn định mức là 1,9 giáo viên/lớp; cấp trung học phổ thông bình quân đạt 2,21 giáo viên/lớp, thấp hơn định mức là 2,25 giáo viên/lớp. 

Điều này gây khó khăn cho việc thực hiện dạy 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học…

Bên cạnh đó, nhiều địa phương có tình trạng đủ số lượng biên chế được giao nhưng không bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT. 

Đoàn giám sát cũng đánh giá, chất lượng giáo viên không đồng đều. Một bộ phận giáo viên và cán bộ quản lý chưa đáp ứng chuẩn nghề nghiệp. Tỷ lệ giáo viên tiểu học đạt chuẩn của một số khu vực còn thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước (75,3%): Khu vực miền núi phía Bắc đạt 66,2%; khu vực Đồng bằng sông Hồng đạt 71,5%. 

Việc tuyển dụng, thu hút đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn, nhất là giáo viên dạy môn tích hợp, môn học mới do chưa có nguồn giáo viên được đào tạo; một số môn Mỹ thuật, Âm nhạc thiếu nguồn tuyển giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo...

Chế độ, chính sách đãi ngộ chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút giáo viên thành phố lớn và các vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Năm học 2021-2022, cả nước có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục.

Từ đó, Đoàn giám sát lưu ý đến việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành đồng bộ, thống nhất các chính sách về tuyển dụng, đãi ngộ, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Cùng đó thực hiện tốt việc phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế giáo viên theo Quyết định 72 của Bộ Chính trị. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng chưa tuyển dụng đủ giáo viên theo biên chế được phân bổ. 

Đồng thời, điều chỉnh định mức giáo viên đối với các cơ sở giáo dục phổ thông công lập phù hợp với tình thực thực tiễn và đặc thù ở từng vùng, miền, địa phương...

Đoàn giám sát cũng yêu cầu sửa đổi các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo, trong đó quan tâm chế độ phụ cấp đối với đội ngũ giáo viên; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn 


Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài Nghị quyết giám sát chuyên đề, nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục.

“Cần có nhất lúc này là một Nghị quyết giao cho Bộ GD&ĐT chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án tăng cường các điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục, đặc biệt và quan trọng nhất làm sao cho đủ giáo viên, thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới, hết lòng vì học trò, gánh vác tốt và yên tâm với công việc nặng nhọc nhiều áp lực”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng GD-ĐT, nhân tố quyết định thành công đổi mới là yếu tố con người, là thầy cô giáo. Giới hạn của số lượng và chất lượng nhà giáo, giới hạn của năng lực và trình độ của nhà giáo là giới hạn của đổi mới và giới hạn chất lượng giáo dục. 

Trong giai đoạn 2022 - 2026, Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung 65.980 biên chế giáo viên, trong đó, bổ sung 14.835 giáo viên phổ thông trong năm học 2022-2023.