Nhiều nghệ nhân, thủ nhang đồng đền tham dự, đóng góp ý kiến để việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ngày càng đi vào nề nếp, quy củ.
Theo Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Đặng Ngọc Anh, thời gian gần đây hiện tượng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không đúng, được livestream trên mạng khá nhiều, truyền nghi thức hầu thánh không chuẩn mực, thương mại hoá di sản, khó kiểm soát, gây ảnh hưởng rất lớn tới tín ngưỡng đã được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại”.
Vì thế, buổi thực hành và toạ đàm về tín ngưỡng thờ Mẫu này là cách để NNƯT Đặng Ngọc Anh và những nghệ nhân, thủ nhang đồng đến khác cùng nhất tâm, hướng dẫn các thanh đồng thực hành đúng nghi lễ hầu thánh, từ chuẩn bị khăn áo, phong thái, động tác, hát văn… phải đúng chuẩn.
Ông Đặng Quang Tuấn - thủ nhang đền Phú An linh từ (Phú Thọ) - có 46 năm hầu thánh khẳng định: “10 phần phụng sự thánh thì 3 phần là nghi lễ, 7 phần là xử sự, rất khó chứ không đơn giản như mọi người nghĩ. Ngày xưa các cụ muốn nghe hát văn bằng radio cũng phải thắp hương vái mới mở nghe. Không phải mượn thánh mượn thần, xem bói trên TikTok vô tội vạ như bây giờ”.
Thủ nhang đồng đền Nguyễn Hoàng Vinh (đền Hồng Ân Linh Từ) cho rằng, phụng sự tam tứ phủ có rất nhiều phần, phong phú, vì thế việc truyền dạy cần thời gian và không phải cứ dạy là làm được.
“Phụng sự thánh không giống như việc tuyển dụng công nhân, ai cũng có thể làm được mà phụ thuộc vào ‘vua yêu bắt lính, mẫu mến chấm đồng’, tức phải có duyên với việc thánh, có căn quả. Nhưng chính việc ‘Ai là người có căn? Ai không có căn? Người có căn quả biểu hiện như thế nào? Nghi lễ cho những người có căn ra hầu thánh như thế nào?… cũng là vấn đề nan giải, gây tranh cãi.
Nhưng khi đã chính thức được là thanh đồng, ai là người có đủ trình độ, kiến thức để làm thầy, để dẫn dắt đệ tử là vấn đề cốt lõi cần được quan tâm sâu sắc. Nếu không sẽ tạo thành sai dây chuyền, thầy sai, dẫn tới đệ tử sai…”, ông Vinh chia sẻ.
Ông Vương Danh Thưởng chuyên dạy hát chầu văn (Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội) cho rằng hầu bóng và hát văn là 2 yếu tố làm nên tín ngưỡng thờ Mẫu, để dâng lên thánh điệu múa thiêng, điệu hát hoa mỹ nhất.
“Nếu thầy sai thì hát văn cũng sai. Tôi mong Cục Di sản Văn hoá, các nghệ nhân có uy tín cùng nhau ngồi bàn để ra được quy chuẩn chung trong việc hầu thánh, để không bị vàng thau lẫn lộn. Tôi rất mừng vì vẫn còn nhiều người trẻ đang đi đúng hướng, cùng gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị di sản phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Để không còn tình trạng lợi dụng tín ngưỡng kinh doanh, làm ảnh hưởng tới uy tín của những thanh đồng đang cố gắng gìn giữ và phát huy giá trị di sản được UNESCO ghi danh, NNƯT Đặng Ngọc Anh mong muốn thành lập Câu lạc bộ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, nhằm thực hiện đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Luật di sản văn hóa về gìn giữ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí, không mê tín dị đoan.
“Dự kiến CLB sẽ gồm 12 người có uy tín, có tiêu chí rõ ràng, phân chia công việc cụ để dạy các thanh đồng lề lối phép tắc khi hầu thánh. Những người có căn quả muốn ra trình đồng mở phủ phải đảm bảo tiêu chí của CLB….”, NNƯT Đặng Ngọc Anh khẳng định.
PGS.TS Lê Văn Toàn - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho rằng nguyện vọng của NNƯT Đặng Ngọc Anh là chính đáng.
“Chúng ta có nhiều nghị định mới để tạo điều kiện phát triển di sản phù hợp với đời sống hôm nay, hoà nhập nhưng không hoà tan. Việc thế hệ đi trước truyền dạy cho thế hệ sau là điều cần thiết và thành lập hội hay hiệp hội để dạy bài bản sẽ tạo sức mạnh liên kết của cộng đồng”.
Ảnh: BTC