Bố vợ tôi là trạm trưởng y tế xã, sau gần 40 năm công tác trong ngành y, năm 2022 ông chính thức nghỉ hưu và hưởng mức lương hơn 4 triệu đồng mỗi tháng.
Từ khi về hưu, ông vẫn tiếp tục khám chữa bệnh mỗi khi bà con ốm đau cần gọi. Có lần về quê, thấy ông ngày nào cũng tất bật ngược xuôi đi làm, tôi động viên ông nên dành thời gian nghỉ ngơi tuổi già. Ông chỉ nói với tôi: “Bà con còn tin tưởng thì vẫn phải làm”.
Tôi biết sau câu nói của ông vẫn là bài toán cơm áo, gạo tiền bởi với hơn 4 triệu tiền lương mỗi tháng, đủ các khoản chi tiêu vì không muốn làm phiền các con nên hai ông bà phải tiết kiệm dè sẻn mới đủ trang trải cuộc sống.
Câu chuyện của bố vợ tôi chỉ là một trong vô số những người về hưu có mức lương thấp phải làm thêm để kiếm sống. Điều đáng nói, trong số những người hưởng lương hưu hiện nay có không ít người do tuổi già, sức yếu, không thể tiếp tục làm việc nên phụ thuộc hoàn toàn vào lương hưu.
Báo cáo đánh giá tác động về đề xuất tăng lương của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trong số 3,4 triệu người đang nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng chỉ có 500 người hưởng mức lương từ 20 triệu đồng trở lên trong khi đa số hưởng lương rất thấp, chỉ 5 triệu đồng.
Số người hưởng lương hưu từ quỹ BHXH ở nước ta hiện nay có mức bình quân chỉ 5,6 triệu đồng/người/tháng, còn hưởng lương hưu từ nguồn ngân sách nhà nước là 4,7 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất của người hưởng hiện nay là 1,8 triệu đồng/ người/tháng.
Điều đáng nói, từ năm 1995 đến năm 2023 dù đã trải qua 23 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 21 đến 36 lần nhưng mức lương hưu hiện nay của nhiều người vẫn rất thấp.
Mức đóng BHXH quá thấp
Theo lộ trình cải cách tiền lương, kể từ 1/7 tới, mức lương hưu dự kiến tiếp tục được điều chỉnh tăng 15%.
Vấn đề đặt ra, vì sao mức lương hưu được điều chỉnh tăng nhiều lần, tỷ lệ hưởng tối đa cao (75%), nhưng đa số người về già không thể sống bằng lương hưu?.
Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra mức lương hưu của người lao động Việt Nam thấp. Trong đó chủ yếu là do mức lương làm căn cứ đóng BHXH thấp, thời gian đóng BHXH ngắn và nhiều người nghỉ hưu trước tuổi.
Mức đóng thấp ngoài mức lương thực tế của nhiều người lao động thấp còn do thực trạng đóng BHXH không đúng mức tiền lương, thu nhập thực tế tại một số đơn vị sử dụng lao động.
Số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, năm 2022 mức bình quân tiền lương đóng BHXH bắt buộc là 5,73 triệu đồng/tháng. Dù hiện nay Luật BHXH hiện hành quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động bao gồm cả lương và các phụ cấp. Tuy nhiên, qua ghi nhận của cơ quan BHXH, một số doanh nghiệp vẫn “lách” luật, chia nhỏ các khoản phụ cấp thành các khoản hỗ trợ để trốn đóng, đóng không đủ BHXH.
Thực tế này đã được Bộ LĐ-TB&XH chỉ rõ, có tình trạng không ít doanh nghiệp tách thu nhập của người lao động thành nhiều khoản, ngoại trừ tiền lương cơ bản còn nhiều khoản phụ cấp, thu nhập bổ sung khác. Vì vậy, tiền lương cơ bản làm căn cứ đóng BHXH thường thấp hơn thu nhập thực tế của người lao động.
Mức thu nhập để làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động luôn ở mức thấp nhất, nên dù tỷ lệ hưởng tối đa tới 75% thì lương hưu của người lao động vẫn thấp.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá, việc giảm tỷ lệ đóng BHXH, đồng nghĩa với việc tỷ lệ hưởng lương hưu. Điều này dẫn đến giá trị thực mức hưởng các chế độ BHXH của người lao động còn thấp hơn so với hiện hành. Điều này không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Việt Nam hiện nay.
Giám sát mức đóng từ thu nhập thực tế
Để cải thiện lương hưu, Việt Nam không thể chỉ trông chờ vào mức điều chỉnh tăng lương hưu hàng năm, điều quan trọng đặt ra vẫn phải có lộ trình điều chỉnh tăng mức đóng, giúp người tham gia BHXH ở lại hệ thống cho đến khi hết tuổi lao động. Có như vậy khi về già lương hưu mới đủ sống.
Luật BHXH sửa đổi cũng cần phải quy định tăng mức đóng sát với thu nhập thực tế của người lao động, ít nhất phải bằng 70 - 80% thu nhập hàng tháng của người lao động.
Hiện nay với việc lương, trợ cấp được chi trả qua tài khoản, cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể giám sát việc đóng BHXH qua nguồn thu nhập hàng tháng của người lao động. Các cơ quan thanh tra chuyên ngành hoàn toàn có thể giám sát chi trả lương và đóng BHXH qua hệ thống ngân hàng để đảm bảo mức đóng BHXH của người lao động trên cơ sở lương thu nhập thực tế.
Việc giám sát thu nhập để tăng mức đóng BHXH cần quy định bắt buộc, nhất là trong bối cảnh Luật BHXH sửa đổi đang đề xuất giảm thời gian tham gia BHXH xuống 15 năm được hưởng lương hưu nhận được ủng hộ lớn từ người lao động.
Khi thời gian tham gia BHXH ngắn bắt buộc phải tăng mức đóng thì lương hưu mới đảm bảo cuộc sống cho người tham gia BHXH muộn.
Đây là nhu cầu chính đáng của tất cả những người đã, đang và sẽ đóng BHXH đảm bảo khi về già lương hưu đủ sống.
Vũ Điệp