Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố đề minh họa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025-2026. Đây là kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018.
Sau đây là đề minh họa 7 môn thi lớp 10:
Nhận định về đề thi môn tiếng Anh, cô Phạm Thị Mai Hương - Tổ phó Tổ tiếng Anh, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Phần bài đọc hiểu văn bản, viết lại câu và viết câu theo từ cho trước vẫn như các năm qua, chỉ thay đổi số lượng câu hỏi. Phần câu hỏi trắc nghiệm chọn từ, hoàn thành câu giảm còn 7 câu, hội thoại giảm còn 1 câu. Phần sửa lỗi, từ đồng nghĩa trái nghĩa được loại bỏ hoàn toàn.
Chúng ta thấy có 4 dạng mới là phần đọc biển báo, sắp xếp câu thành đoạn hoàn chỉnh, điền câu/cụm thông tin vào đoạn văn và dạng điền từ vào form hoặc list.
Theo tỉ lệ được công bố (20% nhận biết, 40% thông hiểu, 40% vận dụng), học sinh chỉ cần học chắc một cách bài bản hệ thống ít nhất cũng đạt điểm 6-7 trên thang 10. Phần nâng cao tập trung nhiều ở các dạng bài mới, đòi hỏi học sinh phải hiểu được văn bản và tính liên kết, phân biệt được các phương án nhiễu để đưa ra lựa chọn chính xác”, cô Mai Hương nói.
Tuy nhiên, theo cô Mai Hương, đây chỉ là đề thi minh họa (tham khảo cấu trúc đề thi), nên học sinh cần học đều tất cả các nội dung trong chương trình, đồng thời nên bám theo lộ trình gợi ý như sau:
Từ tháng 9 đến hết học kỳ 1: Học chắc kiến thức cơ bản, song song rèn luyện các bài tập liên quan.
Trong học kỳ 2: Tập trung làm đề luyện, song song tổng ôn lại theo các chuyên đề. Ngoài ra, các em nên tham gia thi thử để có cảm giác làm đề dưới áp lực thời gian và điều chỉnh kiến thức dựa trên kết quả nhận được.
Với môn Ngữ văn, cô Phạm Thị Hoàng Lan - giáo viên Trường THCS Dịch Vọng Hậu (Hà Nội) cho biết: Ở phần đọc hiểu, ngữ liệu thơ khá quen thuộc với học sinh, câu hỏi nhận biết và vận dụng bám sát đặc trưng thể loại của văn bản thơ, câu hỏi vận dụng gần gũi, thiết thực với đời sống.
Phần viết: Đề nghị luận xã hội gần gũi nhưng đòi hỏi học sinh có tư duy phản biện để đưa ra được những lý lẽ thuyết phục cho từng lựa chọn.
Tuy nhiên trong bảng năng lực và cấp độ tư duy, đề ra với môn Ngữ Văn, các thể loại văn bản học sinh cần ôn tập khá nhiều, bao gồm cả thơ, truyện, kí, nghị luận và văn bản thông tin. Cô Hoàng Lan cho rằng đây cũng là một khó khăn đối với thầy cô giáo và học sinh trong quá trình ôn tập, đặc biệt năm nay là năm học đầu tiên thi theo dạng đề thi của Chương trình GDPT 2018.
Với môn Toán, cô Trần Hồng Điệp - giáo viên Trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) cho hay, cấu trúc đề tự luận gồm 5 bài giống như cũ, nội dung kiến thức trong đề bao phủ đủ các mảng kiến thức trong SGK.
Độ khó của đề đã giảm nhiều so với cấu trúc đề cũ, đề thi tăng bài có tính chất ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Vẫn là các mảng kiến thức như đại số, xác suất, thống kê, hình học phẳng và các khối hình trong thực tế. Đề thi minh họa được biên soạn rõ ràng, có sự đổi mới trong phương thức kiểm tra đánh giá theo định hướng chương trình GDPT 2018, nội dung tăng cường tính mở và vận dụng những đơn vị kiến thức từ thực tiễn.
Cô Điệp cho rằng, dù chưa biết kỳ thi này thí sinh sẽ thi bao nhiêu môn nhưng bước đầu biết rõ về cấu trúc đề minh họa cũng giúp học sinh và giáo viên yên tâm hơn, phụ huynh cũng sẵn sàng đồng hành cùng con bước vào kỳ thi đặc biệt quan trọng.
Với các môn Khoa học Tự nhiên, cô Nguyễn Thị Huyền - Trưởng nhóm Khoa học Tự nhiên, Trường THCS Nguyễn Phong Sắc cho biết, đề kiểm tra này hình thức giống như đề thi THPT và rất mới đối với học sinh THCS.
Nội dung khó nhất tập trung phần trả lời ngắn tại mục 3, thay vì trắc nghiệm, học sinh phải trả lời 12 câu hỏi nhỏ thuộc cả 3 phân môn và 12 câu này đều liên quan đến tính toán nên khó và rất dễ sai, mất điểm.
Theo cô, chỉ có 16 câu đầu trắc nghiệm là tính theo thang điểm 0,25 điểm/câu. Phần này ở mức độ nhận biết nên học sinh có thể lấy được trọn vẹn 4 điểm. Tuy nhiên, phần 2 là trắc nghiệm đúng sai (có 3 câu, mỗi câu chiếm 1 điểm). Nếu chỉ sai một ý, thí sinh sẽ bị trừ 0,5 điểm nên phần này khá khó.
Với môn Lịch sử và Địa lý, giáo viên nhóm Lịch sử và Địa lý Trường THCS Nguyễn Phong Sắc cho rằng, đề có sự đổi mới so với cấu trúc cũ. Trước đây cấu trúc đề tự luận hoặc vừa tự luận vừa trắc nghiệm nhưng đề minh họa năm nay 100% trắc nghiệm. Cấu trúc này bám sát cấu trúc đề minh họa tốt nghiệp THPT của chương trình 2018. Nội dung kiến thức rộng, đòi hỏi học sinh nắm vững kiến thức toàn bộ chương trình. Cấu trúc đề có câu hỏi vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để phân loại học sinh.
Cụ thể:
Phần I: Câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn (thí sinh chọn một phương án đúng).
Cấu trúc đề: Nhận biết 14 câu, thông hiểu 12 câu, vận dụng 6 câu.
Cấu trúc đề hợp lý, các câu hỏi nhận biết và thông hiểu đều có trong SGK, câu vận dụng hay, đòi hỏi học sinh phải tư duy.
Phần II: Câu trắc nghiệm chọn đúng sai.
Cấu trúc đề: nhận biết 2 câu, thông hiểu 4 câu, vận dụng 2 câu.
Câu 1: Sử dụng ngữ liệu lịch sử để trả lời đúng sai. Học sinh đọc ngữ liệu và trả lời câu hỏi.
Câu 2: Học sinh sử dụng bảng số liệu để trả lời đúng sai phần Địa lý.