Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch, nhất là vào những dịp cuối tuần. Sau nhiều năm đưa vào hoạt động, phố đi bộ được coi là thương hiệu của Thủ đô. Bên cạnh là địa điểm gắn liền với nhiều di tích lịch sử, phố đi bộ cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thể thao quan trọng của Hà Nội và đất nước. Vào những ngày cao điểm, nơi đây có thể thu hút hàng vạn người dân và du khách tham quan. Tuy nhiên, trong những năm qua, hoạt động tại phố đi bộ vẫn còn tồn tại một số bất cập, gây bức xúc cho người dân và du khách.
Từ năm 2016, khi không gian đi bộ đi vào hoạt động, đã có không ít hoạt động biểu diễn nghệ thuật tự phát diễn ra dù Hà Nội đã bố trí 7 điểm biểu diễn nghệ thuật cố định tại nhà Bát giác, trước cửa rạp Công nhân, khu vực đối diện đền Bà Kiệu, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, trước cửa Trung tâm thông tin Hồ Gươm, khu vực tượng đài Vua Lê, khu vực đồng hồ Thụy Sĩ.
Từ trường hợp của ca sĩ Tuấn Hưng
Như trường hợp của một học sinh 15 tuổi chơi đàn violin quyên góp tiền từ thiện tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm năm 2017, khi lực lượng chức năng hỏi giấy phép, yêu cầu dừng biểu diễn thì có những tranh luận có phần gay gắt giữa gia đình cháu và lực lượng chức năng. Sự việc trên được đưa lên mạng xã hội, tạo ra làn sóng bày tỏ quan điểm khác nhau.
Gần đây nhất, ca sĩ Tuấn Hưng hát tại ban công nhà mình bị Quận Hoàn Kiếm xử phạt 12,5 triệu đồng cũng khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Trước vấn đề này, cơ quan quản lý văn hóa Hà Nội khẳng định, bất kỳ hoạt động biểu diễn nghệ thuật nào tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm phải xin phép, hoặc thông báo đến Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Gia đình cháu bé kia sau đó đã xóa mọi chia sẻ trên mạng xã hội đồng thời gửi lời xin lỗi tới cơ quan chức năng, ca sĩ Tuấn Hưng cũng vậy.
Chia sẻ với VietNamNet, lãnh đạo UBND Quận Hoàn Kiếm cho biết, theo Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội ban hành quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, mọi hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và các hoạt động khác trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự.
Điều 4, QĐ số 21/2022/QĐ-UBND quy định các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận không sử dụng các thiết bị, dụng cụ như loa, đài, kèn, trống để phát tán âm thanh công suất lớn ra môi trường, thu hút và làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của không gian đi bộ. Các tổ chức, cá nhân khi mang phương tiện, dụng cụ, thiết bị âm thanh vào trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận để tổ chức hoạt động phải xuất trình văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức hoạt động. Không thực hiện quảng cáo dưới mọi hình thức khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Thêm vào đó, Điều 6 của QĐ 21 cũng quy định đối với các hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn, tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu trong không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thực hiện theo quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Phải có quy định để nghệ thuật công cộng được phát triển trong khuôn khổ của pháp luật
Với quá nhiều điểm biểu diễn, nhất là các điểm biểu diễn tự phát không được sắp xếp, không được kiểm soát nội dung, chưa kể nhiều người đến phố đi bộ bị “bội thực” với những âm thanh hỗn độn do nhiều điểm biểu diễn gần nhau, mở nhạc to thì việc tuân thủ theo quy định của pháp luật trong không gian phố đi bộ và cả khu vực lân cận là điều cần phải làm, nhất là với những người hoạt động văn hoá, người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn tới công chúng. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, việc quy định tất cả các hoạt động biểu diễn tại phố đi bộ phải xin phép như vậy có khiến cho không gian văn hoá, nghệ thuật tại đây bị thu hẹp, không phát huy được sức sáng tạo của nghệ sĩ, không đưa được nhiều loại hình nghệ thuật tới gần hơn với công chúng?
Về vấn đề này, ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Đại biểu Quốc hội cho rằng, chúng ta phải xem xét mọi vấn đề ở góc nhìn rộng hơn để sau này không phải đi xử lý hết sự việc này tới sự việc khác liên quan tới nghệ thuật biểu diễn.
Ông Sơn lấy ví dụ, trước kia chúng ta đã có nhiều dư luận trái chiều về con Rồng giống hình Pikachu ở Hải Phòng, hay hình thù 12 con giáp cũng tại Hải Phòng gây phản cảm, hay ở Hồ Gươm có hình trái tim tua rua không hợp mắt, gần đây là chuyện của Tuấn Hưng. Và những câu chuyện này đặt ra một câu hỏi liên quan tới câu chuyện về quy định cho không gian nghệ thuật công cộng.
Những không gian công cộng là dành cho số đông. Chính vì thế câu chuyện về thẩm mỹ, nhu cầu thưởng thức hay cả vấn đề an toàn giao thông, cháy nổ,… đòi hỏi cho chúng ta phải có quy định làm sao để nghệ thuật công cộng được tự do phát triển trong khuôn khổ của pháp luật, đồng thời tạo điều kiện tránh xảy ra những chuyện gây tranh cãi, hiểu lầm giữa các bên liên quan. Đó là câu chuyện cần phải tháo gỡ trong thời gian sắp tới để áp ứng câu chuyện phát triển của xã hội ngày hôm nay.
Ông Sơn cho rằng, việc QĐ 21 buộc các hoạt động nghệ thuật lớn nhỏ, cá nhân, tập thể,.. đều phải xin phép là hơi bất cập. “Quy định về hoạt động biểu diễn ở phố đi bộ và khu vực lân cận đang dựa trên quy định của nghệ thuật biểu diễn nói chung. Mà nghệ thuật biểu diễn nói chung ở trong không gian cố định, riêng tư, không gian nhà hát,… thì chắc chắn khác so với không gian nghệ thuật ngoài đường phố. Bởi ngoài đường phố, mọi người dân đều có quyền tham gia, được sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật. Đối tượng như thế cần phải có quy định, chính sách để khuyến khích người dân tham gia nghệ thuật. Từ đó làm cho nghệ thuật của chúng ta phong phú. Tuy nhiên, nhiều yếu tố liên quan khác cần phải tính tới là giao thông, an toàn của người dân, những quy định liên quan tới bài hát được biểu diễn và chưa được biểu diễn tránh trường hợp lợi dụng sự tự do thông thoáng để biểu diễn những ca khúc chống phá Đảng, Nhà nước,…”, ông Sơn nói.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ, nhóm xẩm Hà Thành mà anh là một trong những thành viên hoạt động ở phố đi bộ từ những ngày đầu tiên dù được yêu cầu biểu diễn ở đó để lan toả văn hoá truyền thống nhưng vẫn phải xin phép. Tuy nhiên, việc xin phép này khá đơn giản.
“Không chỉ riêng nhóm của tôi mà tôi biết thủ tục xin phép biểu diễn ở phố đi bộ khá dễ dàng, không rườm rà, có thể đăng ký xin phép trên mạng. Tôi biết ở châu Âu, việc quy định biểu diễn đường phố khá nghiêm ngặt. Cứ 6 tháng tới 1 năm, các nghệ sĩ đường phố phải vượt qua kỳ kiểm tra là có đủ trình độ để biểu diễn ở đường phố hay không họ mới cấp phép. Ở một số nơi như ga tàu điện, đường phố,… chính quyền kẻ vạch vôi, và nghệ sĩ chỉ được biểu diễn trong không gian đó, bước ra ngoài vạch vôi là vi phạm.
Ở phố đi bộ Hồ Gươm, tôi thấy cơ quan quản lý vẫn khá hài hoà giữa lợi ích chung của nhân dân toàn thành phố với lợi ích riêng của người dân sống ở khu vực lân cận. Có nghĩa là hàng tối, cơ quan quản lý vẫn đi kiểm tra, những hoạt động nào không quá ảnh hưởng tới người dân, tần số âm thanh không vượt quá quy định cho phép, các hoạt động lan toả nét đẹp văn hoá thì đều được khuyến khích. Ví như nhóm của chúng tôi, khi biểu diễn đều phải xin phép khung giờ, chỉ cần biểu diễn quá giờ chút, cơ quan quản lý đều biết và nhắc nhở nhẹ trên tinh thần ủng hộ hết sức. Vậy nên, các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu tổ chức hoạt động tại không gian phố đi bộ và khu vực lân cận cần phải đồng hành cùng ngành văn hoá để chúng ta hài hoà được lợi ích chung và riêng”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nói.