Tại kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND với 119 lượt ý kiến, cơ bản nhất trí với dự thảo Luật do Chính phủ trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về bổ sung các vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá, một số ý kiến đề nghị bổ sung Trưởng Công an các TP là đô thị loại I; Trưởng Công an huyện thuộc TP Hà Nội, TP.HCM; Trưởng Công an cấp huyện công tác từ 5 năm trở lên ở các huyện biên giới, hải đảo...
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, nếu bổ sung như một số ý kiến nêu trên thì các vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá sẽ có số lượng nhiều, khó bảo đảm tương quan với các vị trí khác trong CAND và QĐND.
Về một số ý kiến đề nghị Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, vị trí Trung đoàn trưởng trong CAND chủ yếu được tổ chức ở các đơn vị chiến đấu hoặc địa bàn trọng điểm có số lượng không nhiều. Toàn lực lượng Công an chỉ có 18 Trung đoàn, bố trí tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an TP Hà Nội và Công an TP.HCM.
Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đây là các đơn vị có tính chất đặc thù, được tổ chức tập trung, trực tiếp thực hiện công tác đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Hơn nữa, cấp trên của Trung đoàn đều có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng nên quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với Trung đoàn trưởng là Đại tá là phù hợp.
Qua nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị bổ sung 2 vị trí: Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trưởng phòng Công tác Đảng và công tác chính trị thuộc Công an TP Hà Nội, Công an TP.HCM có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá, vì đây là 2 cơ quan tham mưu chuyên sâu với địa bàn rộng, phức tạp và quân số đông.
Làm rõ mức tăng hạn tuổi giữa các cấp bậc hàm
Về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, CAND, nhiều ý kiến đề nghị quy định hạn tuổi phù hợp với tính chất là lực lượng vũ trang và tính chất đặc thù của từng lực lượng, đơn vị; tăng hạn tuổi phục vụ của nữ sĩ quan công an bảo đảm phù hợp với vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác đặc thù.
Các ý kiến đề nghị quy định nữ Thượng tá thấp hơn 58, nữ Đại tá thấp hơn 60, vì thuộc ngành nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động. ĐBQH đề nghị giải trình rõ hơn về mức tăng hạn tuổi khác nhau giữa các cấp bậc hàm; quy định hạn tuổi phục vụ, chế độ, chính sách của công nhân công an tương tự như công nhân quốc phòng.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, về cơ cấu hạn tuổi phục vụ cao nhất được kế thừa theo quy định hiện hành.
Trên cơ sở quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với mỗi cấp bậc hàm, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với các vị trí cho phù hợp tính chất đặc thù của từng lực lượng, đơn vị và vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác đặc thù. Trường hợp làm việc trong môi trường nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại thì được nghỉ hưu trước hạn tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.
Mức tăng hạn tuổi khác nhau giữa các cấp bậc hàm để vừa bảo đảm sự thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu (nam tăng 2 tuổi và nữ tăng 5 tuổi) và phù hợp điều kiện thực tiễn công tác, chiến đấu của từng vị trí cấp bậc hàm trong CAND.
Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục báo cáo làm rõ hơn về mức tăng hạn tuổi khác nhau giữa các cấp bậc hàm. Đồng thời, bổ sung quy định hạn tuổi phục vụ, chế độ, chính sách của công nhân công an tương tự như công nhân quốc phòng vào dự thảo Luật…
Dự kiến Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5 này.