Ngày 16/12, tại Hà Nội diễn ra hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 15 khóa IX của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Theo dự thảo báo cáo tổng hợp gửi đến hội nghị, trong năm 2022, tình hình nhân dân cơ bản ổn định, yên tâm, tin tưởng và phấn khởi trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam.
Nhân dân vui mừng, đồng tình và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gắn với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8%...
423.741 người bị cắt giảm giờ làm và ngừng hợp đồng lao động
Bên cạnh đó, nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về giá xăng dầu có thời điểm tăng quá cao và khan hiếm. Việc này cần Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có các chính sách để bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu để tránh đầu cơ trục lợi, gây tổn hại cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân.
Báo cáo cũng nêu, nhân dân còn lo ngại trước việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa tạo nên “cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách”; chất lượng đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở một số cơ sở đào tạo; tình trạng thiếu trường, lớp, thiếu giáo viên, nhất là bậc học mầm non và tiểu học...
Lo lắng trước tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở khu vực công nghỉ việc, chuyển ra làm việc ở các khu vực tư nhân, nhất là lĩnh vực y tế và giáo dục, nhân dân đề nghị Chính phủ có giải pháp, trong đó chú trọng cải cách tiền lương đảm bảo cuộc sống của cán bộ, công chức, người lao động và gia đình, cải thiện môi trường làm việc… để thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công.
Một nội dung nữa cũng được người dân bày tỏ băn khoăn là tình trạng thất nghiệp của nhiều công nhân, lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhất là vào thời điểm cuối năm.
Theo báo cáo bước đầu của 21 tỉnh, thành phố tổng số công nhân, người lao động bị ảnh hưởng do cắt giảm giờ làm và ngừng hợp đồng lao động (thất nghiệp) có khoảng 423.741 người...
MTTQ đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời quan tâm hỗ trợ đối với công nhân, người lao động bị thất nghiệp.
Bày tỏ lo lắng về tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm tại một số địa phương và đơn vị.
Do đó, MTTQ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, khắc phục ngay những vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến việc này.
Xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao
Về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhân dân tiếp tục quan tâm, ghi nhận, đánh giá cao và tin tưởng vào sự quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác này.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân; xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao.
Từ đó, người dân đề nghị các cơ quan chức năng đẩy nhanh xét xử các vụ án tham nhũng, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp, người đứng đầu trong các dự án lớn gây thua lỗ, thất thoát tài sản của nhà nước và thông tin công khai cho người dân biết. Đồng thời thực hiện có hiệu quả việc thu hồi tài sản tham nhũng; giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
Đồng thời, nhân dân mong muốn các cấp, các ngành kịp thời hơn trong việc xem xét, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, tiêu cực đối với tình trạng đang xảy ra ở nhiều nơi khi người dân đã nộp tiền mua đất, mua nhà ở nhưng chưa được giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận nhận quyền sử dụng đất, chưa được xây nhà ở để ổn định cuộc sống.
Cử tri cũng mong muốn Đảng và Nhà nước có giải pháp phòng, chống, ngăn chặn từ sớm, từ xa để kiểm soát tình trạng gia tăng tỷ lệ tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu...