Sáng 27/6, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị tổng kết thi hành pháp luật về tham gia Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (GGHB LHQ).
Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam cho biết, ngày 13/11/2020, Quốc hội thông qua Nghị quyết 130 về tham gia lực lượng GGHB của LHQ; Chính phủ đã ban hành các nghị định quy định một số chế độ, chính sách tham gia hoạt động GGHB LHQ.
Từ khi Nghị quyết 130 có hiệu lực đến nay, Việt Nam đã cử được 2 Đội Công binh, hơn 40 vị trí cá nhân, luân phiên được 2 thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2.
Đại tá Phạm Mạnh Thắng cho biết, việc tham gia hoạt động GGHB LHQ về cơ bản đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, đạt được nhiều thành quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực về trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, Đại tá Phạm Mạnh Thắng chia sẻ, việc triển khai và bảo đảm chế độ, chính sách cho các lực lượng tại một số phái bộ còn nhiều lúng túng, bất cập và chưa nhận được sự đồng thuận, nhất trí của một số bộ, ngành. Công tác điều phối quốc gia về tham gia lực lượng GGHB LHQ còn chưa được rõ nét, chưa được thực hiện đồng bộ, bài bản, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển chọn, đào tạo. Một số chế độ chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa mang tính ưu tiên, khuyến khích cao, chưa bao quát hết đối tượng.
Để hoàn thiện hệ thống pháp luật và khắc phục hạn chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao, Đại tá Thắng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với ban, bộ, ngành lập hồ sơ xây dựng Luật tham gia lực lượng GGHB LHQ.
Uỷ viên UB Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An cho biết, văn bản cao nhất quy định về GGHB hiện nay là Nghị quyết 130 của Quốc hội, đến nay nghị quyết này vẫn đóng vai trò quan trọng. Khi xây dựng luật này, Thường trực UB Quốc phòng và An ninh lưu ý cần bám sát về quy trình, thủ tục, sớm có đề xuất xây dựng luật tham gia lực lượng GGHB LHQ.
Ông An nhấn mạnh cần làm rõ sự cần thiết của luật, những tồn tại hạn chế khi thực thi quy định, pháp luật hiện hành trong triển khai GGHB. UB Quốc phòng và An ninh đề nghị bám sát nghị quyết 130 đưa 3-4 chính sách cơ bản nền tảng khi xây dựng luật. Tiến độ làm sao để tháng 4/2024 đưa dự án luật này vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, để bàn vào kỳ họp thứ 7 của Quốc hội (5/2024).
Trước khi cho ý kiến về định hướng chuẩn bị dự án luật, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thông báo sáng ngày 28/6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ dự lễ xuất quân bệnh viện dã chiến 2.5 ở TP.HCM.
Thứ trưởng nêu rõ thực trạng, quá trình tổ chức, thi hành pháp luật về GGHB còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập. Hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa đầy đủ, chưa thống nhất, chưa đồng bộ và chưa theo kịp sự phát triển của thực tế tham gia GGHB tại các phái bộ.
Thứ trưởng nhận định, đây là yếu tố khách quan vì Việt Nam mới tham gia được 9 năm nên không tránh khỏi thiếu sót.
Ngoài ra cũng chưa có quy định cụ thể điều chỉnh một số hoạt động theo cơ chế và yêu cầu của LHQ, tổ chức quốc tế. Ông Chiến dẫn chứng, vừa qua Việt Nam có 2 sĩ quan đi huấn luyện ở CH Trung Phi theo yêu cầu của EU. Đây là vấn đề mới nên phải có tổng kết, bổ sung, hoàn thiện.
Về điều phối quốc gia về tham gia GGHB chưa được đồng bộ, tập trung, Thứ trưởng cho biết Bộ Quốc phòng có Cục GGHB Việt Nam, Bộ Công an có Văn phòng thường trực, đến khi lực lượng dân sự tham gia sẽ lại có một tổ chức khác. Để khắc phục điều này, Chính phủ đã giao nghiên cứu xây dựng trung tâm điều phối quốc gia về GGHB.
Thứ trưởng cũng nêu thực tế về chế độ, chính sách cho đối tượng tham gia GGHB chưa đáp được.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến giao Cục GGHB Việt Nam phối hợp với cơ quan, đơn vị chủ trì, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc xây dựng luật.