Đề thi môn Ngữ văn chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023 như sau:
Câu 1: Nghị luận xã hội (8,0 điểm)
Người xưa có câu: “Hữa xạ tự nhiên hương”. Quan điểm trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về việc xây dựng hình ảnh bản thân trong cuộc sống hiện nay.
Câu 2: Nghị luận văn học (12,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: “Viết văn, cũng chừng ấy ký tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình”.
Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Đề thi chuẩn xác, chỉn chu nhưng không có đột phá
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng tổ Ngữ Văn trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) nhận xét đề thi năm 2023 được ra theo cấu trúc quen thuộc.
Theo thầy Minh, yêu cầu của câu nghị luận xã hội - bàn về việc xây dựng hình ảnh bản thân trong cuộc sống hiện nay - vấn đề có ý nghĩa thiết thực, nhất là khi tình trạng hào nhoáng, khoe mẽ, tự đánh bóng tên tuổi đến mức lố bịch đang trở nên tràn lan như hiện nay.
"Câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh bàn về nhận định “Viết văn, cũng chừng ấy kí tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình”. Đây là một vấn đề lí luận văn học quen thuộc, phù hợp với học sinh giỏi văn ở kì thi mang tầm quốc gia: Từ vốn ngôn ngữ chung, nhà văn sáng tạo ra thế giới nghệ thuật riêng của mình nhưng cái riêng ấy phải hướng đến những giá trị phổ quát dành cho tất cả mọi người", thầy Minh nhận định.
"Hướng ra đề năm nay vẫn theo lối cũ như nhiều năm trước, rõ ràng, chuẩn xác, chỉn chu, an toàn, nhưng không có gì mới, không có thay đổi nào mang tính đột phá.
Cũng vẫn là yêu cầu học sinh bàn luận về những vấn đề đúng như một chân lý hiển nhiên, khó có thể hoài nghi hay bàn cãi. Với cách hỏi như vậy, bài làm của học sinh cũng sẽ quanh quẩn ở chỗ làm sao để khẳng định vấn đề ấy là đúng, là thuyết phục, đúng chỗ nào, thuyết phục chỗ nào...
Các em sẽ khó có cơ hội bày tỏ quan điểm riêng, suy nghĩ khác, tiếng nói ngược. Tiếng nói phản biện có chăng cũng sẽ khá gượng gạo theo kiểu “Dẫu biết là hữu xạ tự nhiên hương nhưng đôi khi trong cuộc sống ta cũng cần mạnh mẽ thể hiện mình, tự khẳng định bản thân mình".
Là một giáo viên dạy chuyên Văn, thầy Minh cho biết "Tôi vẫn đang chờ đợi ở kì thi này những đề thi có khả năng gợi mở đối thoại, mời gọi tranh luận, tạo điều kiện tối đa để học sinh tự do thể hiện cái nhìn, quan điểm thực sự của riêng mình chứ không phải chỉ “bàn theo” những “đấng, bậc” được dẫn ra trong đề".
Câu nghị luận xã hội đảm nhận nhiệm vụ phân hóa
Đây là nhận định của thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Thầy Khôi cho rằng đề thi năm nay được diễn đạt ngắn gọn, yêu cầu cụ thể, vấn đề tuy quen thuộc nhưng vẫn có khả năng phân hóa cao. Câu nghị luận xã hội đảm nhận chính nhiệm vụ phân hóa của đề thi.
"Hữu xạ tự nhiên hương”- tuy đã quen, cũng dễ dàng có thể hiểu được, nhưng rút ra bài học gắn với việc xây dựng hình ảnh bản thân thì không dễ dàng chút nào.
Trong một gian đoạn mà nhiều người xem trọng việc đánh bóng bản thân, thậm chí bỏ qua năng lực mà tận dụng vẻ ngoài, bỏ qua việc nỗ lực rèn luyện tự thân để chạy theo những giá trị ảo, xem thường những giá trị đạo đức làm nên phẩm giá con người để chạy theo thị hiếu nhất thời, ý kiến trở thành một lời nhắc nhở rất ý nghĩa.
Dĩ nhiên, ý kiến cũng đã gợi ra một luận đề thú vị, sâu sắc, tạo “đất diễn” cho những học sinh thật sự có khả năng", thầy Khôi phân tích.
Về câu nghị luận văn học, thầy Khôi khẳng định vấn đề về tác giả chắc chắn không phải vấn đề mới đối với các kì thi chọn học sinh giỏi.
"Tuy vậy, đi từ bản chất sáng tạo của quá trình sáng tác để hướng đến giá trị vừa mang dấu ấn cá nhân vừa hướng đến cái phổ quát cho bao người, nội dung độc đáo từ cái nhìn riêng biệt nhưng vẫn gợi đến chiều sâu nhân bản khiến người đọc trong mọi thời đều có thể thấu cảm khiến ý kiến tuy ngắn nhưng sức chứa lớn, khả năng khơi gợi rộng mở, ngỡ bàn về tác giả nhưng lại quan tâm đến mối quan hệ giữa “hiện thực - tác giả - tác phẩm - người đọc”.
Chính vì vậy, việc bàn luận về vấn đề và tìm dẫn chứng sẽ đặt ra yêu cầu không hề dễ dàng cho học sinh".
Chia sẻ thêm, thầy Khôi cho biết "Tôi chỉ tiếc một điều là đề thi năm nay đã không tiếp nối được cách ra đề theo trục chủ đề xuyên suốt 2 câu Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học như năm ngoái.
Dẫu vậy, từng nhóm giáo viên ra đề sẽ có quan điểm riêng và tôi hoàn toàn trân trọng đề thi năm nay - xét trên khía cạnh khả năng chọn lọc được những học sinh giỏi Văn quốc gia thực sự xứng đáng".
Năm nay có 4.589 thí sinh tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT, đến từ 69 đơn vị. Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/2. Theo kế hoạch, giữa tháng 3 Bộ GD-ĐT sẽ công bố kết quả thi, từ đó chọn những học sinh tham gia kỳ thi chọn các đội tuyển Olympic Việt Nam dự thi khu vực và quốc tế năm 2023. |
>>>Xem thêm: Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chính thức<<<