
Thầy Bảo Khôi cho hay, cấu trúc đề thi lớp 10 môn Ngữ văn được Sở GD-ĐT TPHCM công bố gồm hai phần là đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn. Nguồn ngữ liệu đọc hiểu sẽ nằm ngoài sách giáo khoa, dài không quá 1.300 chữ. Đề được xây dựng theo định hướng tích hợp - nội dung phần viết liên quan đến văn bản ở phần đọc hiểu. Kiến thức trong đề tập trung ở lớp 8, 9 chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn trong quá trình ôn luyện của học sinh.
Theo thầy Khôi, để đạt điểm cao, đầu tiên học sinh cần Hệ thống hóa kiến thức. Nên chú ý những vấn đề sau:
KIẾN THỨC LOẠI THỂ | KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT | KĨ NĂNG |
- Văn bản văn học: Thơ, thơ tám chữ, truyện ngắn, truyện thơ Nôm. - Văn bản nghị luận: Nghị luận xã hội. - Văn bản thông tin: Văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử, một cuốn sách. |
- Các biện pháp tu từ: Chơi chữ, điệp thanh, điệp vần, đảo ngữ, câu hỏi tu từ. - Điển tích, điển cố. - Từ tượng hình, từ tượng thanh, trợ từ, thán từ, từ toàn dân, từ địa phương, từ Hán Việt, biệt ngữ xã hội, từ ngữ mới và nghĩa mới. - Phân loại câu, thành phần biệt lập trong câu, nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu. - Đoạn văn cách dẫn trực tiếp, cách dẫn gián tiếp. |
- Kĩ năng đọc: Văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin. - Kĩ năng viết: Bài văn nghị luận xã hội; Đoạn văn nghị luận văn học; Đoạn văn nêu cảm nghĩ về một bài thơ, đoạn thơ. |
"Nhiều khả năng nội dung đề thi chủ yếu nằm ở chương trình lớp 9. Dựa trên cơ sở đó, học sinh có thể rút ra trọng tâm kiến thức và kĩ năng cần ôn tập", thầy Khôi nói.
Rèn kĩ năng trả lời câu hỏi đọc hiểu
Thầy Khôi cho rằng, để hoàn thành tối đa những phần dễ đạt điểm cũng như tăng cơ hội có điểm cao ở những câu hỏi mang tính phân hóa, học sinh cần chú ý đến điểm thành phần của từng loại câu hỏi theo mức độ tư duy, từ đó xác định cách trả lời, cách trình bày sao cho hiệu quả nhất. Căn cứ vào cấu trúc đề thi minh họa, thầy Khôi hệ thống câu hỏi theo mức độ tư duy.
MỨC | ĐIỂM | ĐỊNH HƯỚNG TRẢ LỜI | VÍ DỤ |
Biết | 0,5 điểm | Nêu 1-2 ý, nội dung thỏa mãn yêu cầu đề. | Với câu hỏi "chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng" cần nêu 2 biện pháp tu từ. |
Hiểu | 0,75 điểm | Nêu 2 ý - Tách ý rõ ràng khi trả lời (xuống dòng lùi vào/gạch đầu dòng). - Mỗi ý cần được diễn đạt khoảng 2 - 3 dòng. |
Câu hỏi: - Nêu nội dung của văn bản. - Hiểu như thế nào về đoạn thơ sau: “…”? Cách trả lời: Cần nêu 2 ý. - Ý 1: Trả lời câu hỏi “Đoạn thơ này nói về điều gì/đề cập đến nội dung gì?”. - Ý 2: Trả lời câu hỏi “Người viết đã nói về điều ấy, đề cập đến nội dung ấy với thái độ, tình cảm gì nhằm mục đích gì?”. |
Vận dụng | 1 điểm | Phần trả lời ít nhất có 2 nội dung. - Đây là phần trả lời theo quan điểm cá nhân nên chủ yếu quan tâm đến việc trình bày đúng quy cách. |
Câu hỏi: Nêu quan điểm về một ý kiến được nêu trong văn bản? Cách trả lời: Học sinh cần nêu 2 nội dung. - Nêu lựa chọn của bản thân (đồng ý/không đồng ý). - Nêu 3 nguyên nhân cho lựa chọn trên, mỗi nguyên nhân cần có từ nêu thứ tự (thứ nhất, thứ hai,.../đầu tiên, tiếp theo, bên cạnh đó,...). |
Rèn kĩ năng viết đoạn văn
Theo thầy Khôi, trong bài thi lớp 10 môn Ngữ văn, đây là kĩ năng không chiếm nhiều điểm nhưng học sinh cần lưu ý cách viết để có thể đạt kết quả tốt. Bên cạnh nhận thức được lợi thế nhất định do định hướng ra đề mở (chỉ rõ nội dung viết đoạn) học sinh cần viết dung lượng đoạn văn khoảng 200 chữ, tức 8-12 câu.
Về hình thức đoạn văn, học sinh viết theo cấu trúc phối hợp (tổng - phân- hợp), đánh dấu các khía cạnh triển khai bằng từ chỉ thứ tự (thứ nhất, thứ hai, đầu tiên, tiếp theo, bên cạnh đó).
Về nội dung, câu mở đoạn văn phải nêu được 3 thông tin là nhan đề tác phẩm, tên tác giả và yêu cầu đề. Câu kết đoạn phải nhắc lại được vấn đề nghị luận, yêu cầu đề. Bài làm phải kèm với việc nêu hoặc dẫn ra bằng chứng trong tác phẩm.
"Trong quá trình diễn đạt không được sai chính tả, bên cạnh đó cố gắng có nội dung liên hệ, so sánh, mở rộng quá trình viết đoạn văn", thầy Khôi nói và lưu ý học sinh chú ý đến 2 yêu cầu viết đoạn như sau:
YÊU CẦU | VIẾT ĐOẠN NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | VIẾT ĐOẠN NÊU CẢM NGHĨ |
Yêu cầu cơ bản | - Đáp ứng yêu cầu về hình thức của đoạn văn (theo cấu trúc đoạn phối hợp), dung lượng của đoạn văn (khoảng 200 chữ). - Câu mở đoạn phải nêu được 3 thông tin: nhan đề bài thơ, tên tác giả, nội dung cần phân tích. - Trong quá trình phân tích phải trích dẫn bằng chứng từ tác phẩm. |
- Đáp ứng yêu cầu về hình thức của đoạn văn (có câu mở đoạn - phần thân đoạn - câu kết đoạn), dung lượng đoạn văn (khoảng 200 chữ). - Câu mở đoạn phải nêu được 3 thông tin: nhan đề bài thơ, tên tác giả, nêu tình cảm, cảm xúc (bồi hồi, bâng khuâng, xúc động...). - Dùng ngôi thứ nhất để trình bày cảm nghĩ về bài thơ. - Trong quá trình nêu cảm nghĩ phải trích dẫn bằng chứng từ tác phẩm. |
Bố cục cơ bản |
Dạng 1: Phân tích nội dung chủ đề |
Ý 1: Cảm nghĩ về nội dung bài thơ/đoạn thơ - Bồi hồi với khung cảnh, sự việc tác giả tái hiện - Xúc động với tình cảm, cảm xúc của tác giả hướng về… Ý 2: Cảm nghĩ về hình thức bài thơ/đoạn thơ - Thú vị với những hình ảnh - Ấn tượng với những biện pháp tu từ, nhịp thơ linh hoạt, gieo vần độc đáo... |
Kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội
Giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho rằng học sinh cần nhận thức được việc xuất hiện kiểu bài viết văn bản nghị luận về một vấn đề của đời sống là một lợi thế. Học sinh cần nắm được yêu cầu và cách triển khai hai kiểu bài nghị luận xã hội có trong nội dung ôn tập để chuẩn bị tốt cho kì thi.
Trước hết bài nghị luận về một vấn đề của đời sống hay vấn đề cần giải quyết phải đáp ứng yêu cầu về hình thức là có mở bài, thân bài, kết luận với dung lượng khoảng 500-600 chữ. Mở bài nêu được vấn đề cần nghị luận. Học sinh phải lựa chọn được thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề, trong đó triển khai ít nhất 2 luận điểm. Bài viết có sử dụng bằng chứng ở phần thân bài cụ thể, xác thực.
Đối với bài nghị luận về một vấn đề của đời sống, đầu tiên giải thích vấn đề. Phần luận điểm trung tâm làm rõ tính đúng đắn của ý kiến (nêu những điểm bản thân đồng tình với ý kiến).
Phần luận điểm mở rộng có hai cách triển khai. Cách 1 là chỉ ra những hạn chế của ý kiến (nêu những điểm chưa đồng tình). Cách 2 là trao đổi với những quan điểm trái chiều, chỉ ra những biểu hiện ngược vấn đề cần phê phán, khen ngợi (phản đề). Những việc cần làm để hạn chế, phát huy vấn đề mà ý kiến nêu ra (nêu giải pháp).
Đối với bài nghị luận giải thích vấn đề, đầu tiên là giải thích vấn đề. Tiếp theo là luận điểm dẫn dắt nêu nguyên nhân dẫn đến vấn đề, tác hại, tác dụng của vấn đề. Luận điểm 1 là nêu giải pháp 1 (đối tượng thực hiện, việc làm tương ứng, dự kiến kết quả). Luận điểm 2 nêu giải pháp 2.
"Bên cạnh việc củng cố những kiến thức và rèn luyện những kĩ năng này, học sinh cần rèn chữ, chú ý chữ viết. Nhiều khả năng trong hướng dẫn chấm sẽ yêu cầu trừ điểm nếu chữ viết cẩu thả. Các em cần luyện tập theo những đề thi được xây dựng theo đúng cấu trúc Sở GD-ĐT TPHCM đã công bố để tăng kinh nghiệm, mài sắc những gì đã được giáo viên hướng dẫn", thầy Khôi khuyên.


Cô giáo Hà Nội chỉ cách để thí sinh không mất điểm oan 3 môn khi thi vào lớp 10
