Theo CNN, Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden ngày 8/5 đã có chuyến đi không báo trước tới thành phố Uzhhorod phía tây nam Ukraine. Tại đây, bà đã thăm một trường học được chuyển đổi thành nơi sinh sống tạm thời cho người di tản, và có cuộc nói chuyện kéo dài 1 tiếng với Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska.
“Tôi muốn đến vào "Ngày của Mẹ”", bà Biden nói với bà Zelenska khi hai người cùng ngồi bên một chiếc bàn nhỏ trong một lớp học. “Tôi nghĩ điều quan trọng là cho người Ukraine thấy cuộc chiến phải chấm dứt. Người dân Mỹ sẽ sát cánh với người dân Ukraine”.
Về phần mình, bà Zelenska mô tả chuyến thăm của phu nhân Tổng thống Joe Biden là điều “dũng cảm”. “Đầu tiên, tôi muốn cảm ơn bà vì hành động rất dũng cảm này”, Đệ nhất phu nhân Ukraine tuyên bố. “Chúng tôi hiểu rằng Đệ nhất phu nhân Mỹ phải đến đây trong một cuộc chiến, khi các hành động quân sự diễn ra mỗi ngày, và khi tiếng còi báo động phòng không vang lên mỗi ngày, kể cả hôm nay”.
“Chúng tôi muốn lưu ý rằng, "Ngày của Mẹ" là một ngày mang tính biểu tượng của chúng tôi, vì chúng tôi cũng cảm thấy tình yêu và sự ủng hộ của bà trong một ngày quan trọng như thế này”, bà Zelenska khẳng định thêm.
Cùng thời điểm, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng có chuyến thăm không báo trước đến Ukraine. Ông dừng chân trước tiên tại thành phố Irpin, sau đó đến thủ đô Kiev để gặp trực tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Zelensky, Thủ tướng Trudeau cho biết Canada sẽ áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với các cá nhân và thực thể của Nga có liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine. "Chúng tôi đang đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với 40 cá nhân và 5 thực thể Nga, gồm các nhà tài phiệt và cộng sự thân cận với chính phủ Moscow trong lĩnh vực quốc phòng", nhà lãnh đạo Canada nói.
Ngoài ra, Thủ tướng Trudeau còn công bố thêm các gói hỗ trợ quân sự, camera bay không người lái, hình ảnh vệ tinh, vũ khí cỡ nhỏ, đạn dược ... cùng với việc tài trợ cho các hoạt động rà phá bom mìn ở Ukraine. Ông cũng khẳng định Canada sẽ sớm mở lại đại sứ quán ở Kiev trong những tuần tới.
Cũng trong ngày 8/5, thông báo trên tài khoản Telegram, Phó Thủ tướng Nga phụ trách mảng xây dựng và phát triển đô thị Marat Khusnullin cho biết ông đã đến thăm thành phố Mariupol và thị trấn Volnovakha thuộc tỉnh Donetsk phía đông Ukraine, cũng như các khu vực khác được lực lượng Nga “giải phóng”.
“Cuộc sống hòa bình đã bắt đầu được phục hồi trong khu vực. Sẽ còn nhiều việc phải làm. Chúng tôi sẽ giúp đỡ, cụ thể là mang tới hàng viện trợ nhân đạo”, Phó Thủ tướng Khusnullin tuyên bố.
Tại Mariupol, ông Khusnullin đã tới khu vực cảng thương mại của thành phố, và cho biết nơi này nên được sử dụng để tiếp nhận vật liệu xây dựng cho mục đích phục hồi Mariupol. Theo ông Denis Pushilin, lãnh đạo nhà nước tự xưng “Cộng hòa Nhân dân Donetsk" và là người đi cùng Phó Thủ tướng Khusnullin, cảng Mariupol sẽ là nơi chuyến hàng đầu tiên từ nhà nước tự xưng này được chuyển đi trong tháng 5.
Trong khi đó, Các lực lượng Ukraine đang cố thủ tại nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol khẳng định sẽ không hạ vũ khí và chiến đấu đến cùng. "Đầu hàng không phải một lựa chọn", Illia Samoilenko, sĩ quan tình báo của Tiểu đoàn Azov đang chiến đấu với các lực lượng Nga ở Mariupol, tuyên bố trong một cuộc họp báo trực tuyến. "Tất cả các nguồn cung của chúng tôi đều có hạn. Nhưng chúng tôi vẫn còn nước. Chúng tôi vẫn còn đạn dược. Chúng tôi sẽ có vũ khí. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho tới khi đạt được những gì tốt nhất với tình cảnh này".
G7 kêu gọi thế giới tăng cường áp lực lên Nga
Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 8/5 đã có cuộc họp với các nhà lãnh đạo khổi G7 thông qua hình thức trực tuyến để thảo luận về tình ở Ukraine.
Theo thông tin từ cuộc họp được Văn phòng thủ tướng Anh công bố, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã “nhất trí với các nhà lãnh đạo G7 rằng thế giới phải tăng cường áp lực kinh tế lên Nga bằng mọi cách có thể", và tuyên bố phương Tây "không được để cuộc chiến trở nên bế tắc và gây thêm khổ đau”.
“Ukraine cần nhận được các thiết bị quân sự cho phép họ không chỉ bảo vệ các vùng lãnh thổ của mình, mà còn giành lại những phần lãnh thổ đã mất", Thủ tướng Johnson nói với các nhà lãnh đạo G7, theo một người phát ngôn của Nhà số 10 Phố Downing.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter rằng mục tiêu của cuộc họp là “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", đồng thời khẳng định "cuộc chiến này phải chấm dứt!”.
“Các biện pháp trừng phạt mà những thành viên khối G7 thực hiện đối với Nga là chưa từng có. Chúng sẽ còn mạnh hơn nữa. Chúng tôi cam kết kể từ giờ sẽ loại bỏ dần sự phụ thuộc của mình vào năng lượng của Nga”, ông Macron nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với 3 đài truyền hình Nga, các giám đốc điều hành ngân hàng Gazprombank, cùng với lệnh cấm người Mỹ cung cấp dịch vụ kế toán và tư vấn cho Nga.
Tổng thống Ukraine xác nhận 60 người thiệt mạng tại trường học bị đánh bom ở Bilohorivka
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 8/5 đã xác nhận khoảng 60 người đang trú ẩn tại một trường học ở làng Bilohorivka thuộc tỉnh Luhansk đã thiệt mạng sau một vụ đánh bom từ Nga.
"Hậu quả của cuộc tấn công của Nga vào Bilohorivka ở Luhansk đã khiến khoảng 60 người thiệt mạng, trong đó hầu hết là dân thường, những người chỉ đơn giản là muốn trốn trong trường học để tránh bị pháo kích", nhà lãnh đạo Ukraine nói trong bài phát biểu qua video.
Trước đó, thống đốc tỉnh Luhansk Serhiy Gaidai cho biết ít nhất 2 người đã thiệt mạng và thêm 60 người khác vẫn đang mất tích sau khi một trường học ở làng Bilohorivka bị trúng bom của Nga.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 8/5 đã đưa ra một tuyên bố cho biết ông cảm thấy "kinh hoàng" trước vụ tấn công vào trường học ở Bilohorivka. “Vụ tấn công là một lời nhắc nhở khác rằng trong cuộc chiến này, cũng như trong nhiều cuộc xung đột khác, dân thường vẫn phải trả cái giá đắt nhất", người phát ngôn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stéphane Dujarric cho hay.
Việt Anh