Đề Văn thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025 như sau:

Câu 1: Nghị luận xã hội (8 điểm)

“Trái đất dường như là một thực thể sống: không phải như cách người xưa nhìn nàng - một Nữ thần đa cảm, có mục đích và tầm nhìn - mà là như một cái cây. Một cái cây vốn tồn tại thầm lặng, chẳng bao giờ dịch chuyển trừ phi đung đưa theo gió, nhưng vẫn luôn trò chuyện không ngừng với ánh nắng và đất đai. Cây sử dụng ánh nắng, nước, khoáng chất dinh dưỡng để lớn lên và thay đổi. Song, tất cả sự thay đổi đó lặng lẽ tới mức, với tôi, cây sồi già trong sân trông vẫn như khi tôi nhìn thấy nó thuở ấu thơ”. (James Lovelock)

Từ văn bản trên, anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận về chủ đề: Lắng nghe sự thinh lặng.

Câu 2: Nghị luận văn học (12 điểm)

Trong diễn văn đọc tại lễ bế mạc các hoạt động vinh danh giải Nobel ngày 10 tháng 12 năm 1957 ở Stockholm, A.Camus cho rằng: “Người nghệ sĩ tôi luyện bản thân trong mối tương quan liên tục giữa mình với người khác, tại quãng đường giữa cái đẹp không thể bỏ qua và cộng đồng không thể tách khỏi”.

Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy bàn luận ý kiến trên.

471342818_9117287378327916_4305139693678582974_n.jpg
Đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm học 2024-2025.

Sau khi đề thi được đăng tải, nhiều sự chú ý và bình luận được đưa ra với câu 2.

Chia sẻ với VietNamNet, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng, câu 2 của đề thi trích một đoạn trong diễn văn của nhà văn Pháp - Albert Camus (1913/1960) nhưng đoạn dịch đọc lên rất rối rắm, khó hiểu. 

“Đoạn trích lủng củng đó là do bản dịch. Đề nghị Bộ GD-ĐT từ nay trong các đề thi Văn bất luận cấp độ nào nếu có dẫn câu trích được dịch thì dù là có trích nguồn sách tiếng Việt cũng nên tham vấn các chuyên gia ngoại ngữ và bộ môn để kiểm tra đối chiếu lại với bản tiếng nước ngoài để bảo đảm bản dịch chính xác, rõ nghĩa trong tiếng Việt, trước khi làm ngữ liệu đưa ra cho học sinh làm bài”.

Ngoài ngữ liệu dịch ra, ông Phạm Xuân Nguyên cho rằng cách ra đề thi văn cũng theo kiểu đánh đố, khi yêu cầu “bàn luận bằng trải nghiệm văn học” nhưng câu trích thì bị mất đi ngữ cảnh. “Như câu trích này của A.Camus là nằm trong cả đoạn ông nói về mình và khái quát lên về mối quan hệ giữa văn chương và xã hội. Cắt khúc ra một câu, lại bị dịch thành một câu lằng nhằng, không ghi dịch từ tiếng nào, rồi bắt học sinh 'bằng trải nghiệm văn học, hãy bàn luận ý kiến trên' thì có thể gây khó cho các em”, ông Nguyên chia sẻ.

Theo ông Nguyên, việc trích 1 câu ra khỏi văn cảnh, ngữ cảnh có thể gây hiểu sai về mặt ngữ nghĩa. “Tất nhiên, cách trích dẫn một câu/một đoạn ra để yêu cầu học sinh phân tích cũng là một cách ra đề. Nhưng như vậy, thường câu đó sẽ bị 'bứt' ra khỏi văn cảnh và thông thường buộc người viết theo 'khuôn' ý của lời nói đó. Vì vậy, nên chăng chúng ta có những đề thi có tính khái quát hơn, là nói về một vấn đề, chứ không chỉ lấy theo một câu trích”, ông Nguyên nói.

Hiệu trưởng một trường THPT, nguyên là giáo viên dạy Văn ở Hải Phòng cũng cho rằng, đề thi có phần hơi đánh đố. 

“Trừ trường hợp các học sinh đã biết qua hoặc từng làm đề này, chứ ngữ liệu dẫn một câu như vậy thì rất khó làm. Có thể suy nghĩ của tôi hơi chủ quan nhưng thật lòng hy vọng trong tương lai không ra đề theo kiểu này”, vị hiệu trưởng nói.

Song, một số giáo viên lại có quan điểm khác.

Một giáo viên dạy Văn tại trường THPT chuyên ở Nghệ An cho rằng, có thể góc nhìn và cách suy luận của những người ngoài cuộc và những người ra đề khác nhau. “Có thể một số chuyên gia nhìn ở góc độ chính xác của văn bản dịch, và nghĩ đề yêu cầu bàn luận về văn bản dịch đó. Còn người ra đề chỉ đơn thuần muốn mượn văn bản để bàn về một vấn đề, quan niệm, tư tưởng và lý luận văn học. 

Theo tôi nghĩ thì không cần hiểu sâu rộng nghĩa gốc của văn bản trích dẫn trong đề quá, chủ yếu là bàn luận về tư tưởng, triết lý và lý luận văn học mà ngữ liệu biểu thị”, giáo viên này nói. 

Theo giáo viên này, câu 2 của đề văn năm nay bản chất là bàn luận về quá trình sáng tạo của nghệ sỹ, đó là sự tương tác tâm hồn, cảm xúc giữa bản thân mình và thế giới xung quanh.

Một giáo viên dạy Văn khác tại một trường THPT top đầu của Hà Nội chia sẻ: “Ở góc độ cá nhân, tôi thấy đề Văn năm nay vẫn duy trì cấu trúc quen thuộc. Nội dung khá hay và có tính phân loại cao".

Theo nhà giáo này, phần ngữ liệu của câu hỏi vì được dịch ra nên có phần có thể khiến học sinh bối rối. Thí sinh sẽ phải đọc kỹ đề để giải mã nội dung câu hỏi về hành trình "tôi luyện" của nhà văn trong mối quan hệ phức tạp với cái đẹp, với cộng đồng và với chính mình. 

"Văn bản dịch nên ít nhiều mỗi người sẽ có một góc nhìn riêng. Người hiểu sâu về ngôn ngữ có thể sẽ mong muốn nó thể hiện toàn vẹn, sát nhất với bản gốc, đó cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, tôi cũng tin vào chất lượng của học sinh giỏi và cho rằng nhờ có câu hỏi này đề sẽ có tính phân loại cao. Với ‘tầm’ chọn học sinh giỏi của quốc gia thì tôi nghĩ tính phân loại cao là điều cần thiết”, giáo viên này nhận định.