Khám phá những điều bổ ích
“Những bài Toán khó, em có thể tra cứu internet để biết thêm nhiều phương pháp giải khác nhau. Đặc biệt, những kiến thức về lĩnh vực khoa học tự nhiên được em thường xuyên vào internet tìm hiểu, khám phá”.
Đó là chia sẻ của em Phan Duy Mạnh, ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa). Đang là học sinh lớp 11, nhưng Duy Mạnh đã biết tận dụng internet để tìm kiếm thông tin, kiến thức phục vụ cho việc học tập của mình, nhất là kiến thức cho các môn tự nhiên, khoa học.
Mạnh cho biết, internet và MXH là nguồn kiến thức vô hạn. Nếu học sinh biết tận dụng, môi trường số sẽ giúp nâng cao hiểu biết và học hỏi được nhiều điều hay.
Đang học tại một trường THCS, Nguyễn Mạnh Cường, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) cũng được bố mẹ trang bị riêng cho một chiếc điện thoại thông minh.
Cường chia sẻ, ngoài giờ học, em được bố mẹ cho sử dụng điện thoại để trao đổi thêm thông tin về bài học với các thầy, cô, bạn bè. Mỗi khi rảnh rỗi, em còn tham gia các trang mạng xã hội để được thư giãn, giải trí. Việc kết nối với mọi người cũng trở nên dễ dàng hơn.
“Được bố mẹ dặn dò, hướng dẫn kỹ lưỡng nên khi muốn giải trí, em thường chọn những chương trình mang tính trí tuệ như đố vui, lắp ghép, thiết kế đồ hoạ… Các chương trình được cập nhật liên tục nên em thao tác sử dụng rất đơn giản”, Cường cho hay.
Thực tế cho thấy, internet ngày càng phổ biến, mang lại những giá trị tích cực cho trẻ trong cả học tập, giải trí. Từ đó giúp trẻ ngày càng hoàn thiện bản thân, phát triển toàn diện hơn mỗi ngày.
Định hướng cho trẻ
Công nghệ thông tin phát triển cũng kéo theo sự ra đời của rất nhiều ứng dụng tiện ích. Tuy nhiên, cùng với những thông tin tích cực, các nội dung xấu độc cũng len lỏi trong mỗi phần mềm, gây ra những hệ lụy khó lường với trẻ nhỏ.
Chị Tô Thị Bích Thảo, một phụ huynh ở TP. Gia Nghĩa cho rằng, trong thời đại 4.0, không thể phủ nhận công nghệ hỗ trợ các em rất nhiều trong học tập, cuộc sống. Điều cốt yếu ở đây là gia đình, nhà trường và cộng đồng cần chung tay hơn nữa để giúp trẻ trở thành những công dân số lành mạnh.
“Theo tôi, mỗi phụ huynh cần dành thời gian chỉ dạy cho con em mình những kỹ năng sử dụng MXH. Để làm được điều này, mỗi bậc cha mẹ cũng cần trang bị những kiến thức sử dụng internet”, chị Thảo cho hay.
Chị Trần Thanh Nhã, ở huyện Đắk Mil cho rằng, cho trẻ sử dụng MXH nhưng phải có giám sát hợp lý. Chẳng hạn như bố mẹ có thể xem cùng con, cài đặt phần mềm giám sát hoặc cài một số ứng dụng được phép dùng trong điện thoại…
Các bậc phụ huynh cần đồng hành cùng con với tinh thần cởi mở và hiểu biết, thay vì cấm đoán. Cha mẹ nên trò chuyện có trách nhiệm với con về những lợi ích và rủi ro khi tham gia không gian mạng. Từ đó giúp con tự do thử nghiệm trong phạm vi cho phép và tích luỹ được bài học cho bản thân.
Theo các chuyên gia, cùng với các giải pháp công nghệ, việc giáo dục ý thức và đồng hành cùng các em khi hoạt động trên môi trường mạng là điều vô cùng quan trọng.
Gia đình, nhà trường cần có những định hướng giáo dục, giúp trẻ sớm có những hiểu biết về công nghệ. Trong đó, các em phải có những kiến thức về phần cứng và phần mềm cũng như kỹ năng sử dụng máy móc, thiết bị điện tử.
Việc bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng phải được hỗ trợ thường xuyên. Như vậy, các em sẽ sớm được giáo dục, trang bị các kiến thức để trở thành các công dân số chuẩn, có kiến thức, kỹ năng, tư duy phản biện.
Có như thế mới bảo vệ được bản thân trước các rủi ro trên môi trường mạng, vừa tận dụng những lợi thế mà công nghệ mang lại để phát triển một cách toàn diện.
Năm 2021, Bộ TT&TT đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH. Trong đó, áp dụng cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước sử dụng MXH; tổ chức, cá nhân khác sử dụng MXH; nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam…
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020 - 2025”. Đây có thể xem là cơ hội để xây dựng những sổ tay về những hiểm nguy với con trẻ trên môi trường số.
Theo Lê Dung (Báo Đắk Nông)