Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình (GSHT) và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái ô tô.
Thông tư áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, đơn vị cung cấp dịch vụ GSHT và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến thiết bị GSHT và thiết bị ghi nhận hình ảnh tài xế ô tô trên toàn quốc.
GSHT là thiết bị được gắn trực tiếp trên ô tô, có chức năng truyền tải về hành trình, tốc độ, thông tin lái xe, thời gian dừng đỗ của xe.
Còn thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe sẽ gắn trực tiếp bên trong buồng lái, ghi nhận video, hình ảnh, âm thanh có liên quan đến tài xế và truyền về máy chủ.
Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải truyền cả âm thanh của tài xế, thay vì chỉ hình ảnh từ camera gắn trên xe như trước đây.
Luật Giao thông đường bộ 2008 (đang có hiệu lực) quy định xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ ngồi trở lên và xe container phải gắn thiết bị GSHT. Theo thống kê, trên cả nước hiện có khoảng 200.000 ô tô kinh doanh vận tải thuộc diện này.
Tuy nhiên, theo Luật Đường bộ 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025), ngoài xe kinh doanh vận tải thì xe vận tải nội bộ cũng phải gắn thiết bị GSHT.
Như vậy so với quy định hiện hành thì dự thảo Thông tư mở rộng đối tượng chịu tác động, nghĩa là hơn 200.000 ô tô phải gắn thiết bị GSHT.
Ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, để thực hiện quy định trên, một ô tô có thể phải lắp camera mới giá khoảng 5,8 triệu đồng và thêm 1,2 triệu đồng chi phí truyền dữ liệu. Đây sẽ là khoản đầu tư lớn đối với các doanh nghiệp vận tải.
Trao đổi thêm với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam ủng hộ quy định mới trong dự thảo Thông tư.
Ông Quyền bày tỏ: “Đối với quy định camera phải có thêm tính năng âm thanh, tất nhiên sẽ có tác dụng nhất định. Tuy nhiên tác dụng ở mức độ như thế nào thì phải thí điểm mới đánh giá được cụ thể và cần xem xét đến chi phí tổ chức thực thi bao gồm chi phí về đầu tư thiết bị, đường truyền, trung tâm tích hợp dữ liệu như thế nào...”.
Tăng chi phí cho doanh nghiệp
Đáng lưu ý, dự thảo Thông tư quy định tần suất truyền dữ liệu từ camera về máy chủ của đơn vị dịch vụ là 30s/lần truyền.
Theo ông Quyền, đây là vấn đề cần phải nghiên cứu thêm vì quy định hiện hành là truyền dữ liệu hình ảnh với tần suất 3 -5 phút/lần truyền. Hơn nữa, nếu truyền dữ liệu video với tần suất 30s/lần thì lượng dữ liệu quá lớn, chi phí cho việc này sẽ "đội" lên rất nhiều.
Một vấn đề khác cũng khiến Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam băn khoăn đó là quy định hiện hành yêu cầu camera được lắp trên ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe container và truyền dữ liệu về máy chủ của đơn vị kinh doanh dịch vụ, sau đó tiếp tục từ đây truyền về máy chủ của cơ quan quản lý Nhà nước.
“Camera lắp trên các ô tô kinh doanh vận tải theo quy định phải có giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp. Hiện nay đang có 2 loại camera là loại camera độc lập và tích hợp với thiết bị GSHT.
Do đó, nếu dự thảo tiếp tục quy định những tiêu chí khác so với quy định hiện hành thì cần nghiên cứu kỹ, trong đó phải tính đến chi phí thực hiện, hiệu quả cũng như quy định chuyển tiếp cho các thiết bị đang sử dụng”, ông Quyền nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tổng kết đánh giá kết quả việc thực hiện lắp đặt, công tác quản lý, khai thác sử dụng và hiệu quả sử dụng của thiết bị này. Trên cơ sở đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, nhà công nghệ và đại diện các đối tượng chịu tác động để dự thảo Thông tư phù hợp thực tiễn, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công tác quản lý.