Trong buổi làm việc giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, cơ hội của Việt Nam từ các FTA thế hệ mới đang bị bỏ phí mà một phần trong những nguyên nhân dẫn đến sự bỏ phí này chính là do ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa thật sự lớn mạnh.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt ở những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn...
Tuy nhiên, quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ yếu lại là các doanh nghiệp tư nhân nên khả năng tài chính yếu, vốn tự có thấp. Những điều này đã khiến nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tương thích kỹ thuật, trong các chuỗi cung ứng lớn quy mô toàn cầu.
Vì những lý do trên, Chủ tịch VCCI khẳng định đã đến lúc ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cần riêng một đạo Luật.
Đồng quan điểm, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, bên cạnh việc ban hành Luật dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần chú trọng đầu tư nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, Trung ương và địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới..
Khánh Vy