Chiều 7/3, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức phản biện xã hội đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Giới thiệu tổng quan dự thảo luật, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự thảo có 13 chương với 196 điều, thể chế hoá 8 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội. Trong đó có nhóm chính sách liên quan đến sở hữu nhà chung cư đang có nhiều ý kiến thảo luận ngay từ dự thảo đầu tiên.
2 phương án về thời hạn sử dụng nhà chung cư
Theo lý giải của Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở 2014 đã có quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư, hết thời hạn sử dụng nhà chung cư mà không còn đủ điều kiện an toàn sử dụng thì phải phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại.
Tuy nhiên, trong thời gian qua việc phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại các địa phương, nhất là hai thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM vẫn còn rất chậm, còn gặp nhiều khó khăn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong công tác phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư là do pháp luật về nhà ở không có quy định về việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu nhà chung cư là vĩnh viễn.
Do đó các chủ sở hữu không thực hiện việc di dời, phá dỡ nhà chung cư, ngay cả khi nhà chung cư không còn đủ điều kiện cho an toàn sử dụng.
Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định cụ thể việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư trong trường hợp nhà chung cư không còn đủ điều kiện an toàn cho người sử dụng và quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư.
Do đó, ở dự thảo lần này, Chính phủ đề xuất hai phương án.
Phương án 1: Bổ sung quy định về sở hữu nhà chung cư, theo đó, quy định cụ thể về căn cứ xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu sau khi nhà chung cư bị phá dỡ.
Đa số các thành viên Chính phủ, trong đó có Bộ Xây dựng thống nhất với phương án bổ sung quy định về sở hữu nhà chung cư như nêu trong dự thảo.
Phương án 2: Giữ nguyên như quy định hiện hành, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài.
5 trường hợp phá dỡ nhà chung cư
Phương án được đề xuất mới quy định tại điều 25 và điều 26 của dự thảo Luật Nhà ở. Cụ thể Điều 25 về xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư có quy định "chấm dứt khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng hoặc chưa hết thời hạn sử dụng nhưng thuộc các trường hợp phải phá dỡ".
Khoản 2 điều 25 quy định: Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế nhà chung cư theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền (gọi chung là tuổi thọ công trình). Thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế phải được ghi rõ trong văn bản thẩm định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Khoản 3 điều này quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành văn bản thông báo phá dỡ nhà chung cư khi có một trong 5 trường hợp.
Một là, nhà chung cư bị hư hỏng do cháy nổ không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng.
Hai là, nhà chung cư bị hư hỏng do thiên tai, địch họa không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng.
Ba là, nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng, cần phải di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.
Bốn là, nhà chung cư bị hư hỏng nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ kết cấu chịu lực chính của công trình và có một trong các yếu tố hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy chữa cháy; cấp, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ không đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc có nguy cơ mất an toàn trong vận hành, khai thác sử dụng cần phải phá dỡ để bảo đảm an toàn cho người sử dụng và yêu cầu về cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Năm là, nhà chung cư bị hư hỏng một trong các kết cấu chính của công trình gồm: móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc diện phải phá dỡ theo quy định tại điểm c, điểm d khoản này nhưng nằm trong khu vực có nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ theo quy định tại khoản này.
Điều 26 quy định khi chung cư bị phá dỡ, chủ sở hữu nhà chung cư được quyền tiếp tục sử dụng diện tích đất có nhà chung cư để đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư mới.
Kinh phí xây dựng lại nhà chung cư được các chủ sở hữu đóng góp theo tỷ lệ diện tích sử dụng căn hộ được sở hữu nhân với suất đầu tư tại thời điểm lập phương án bồi thường.
Trường hợp chủ sở hữu không có nhu cầu đóng góp kinh phí để phá dỡ, xây dựng lại nhà ở thì được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất theo tỷ lệ diện tích sử dụng được xác định theo quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm thực hiện bồi thường và phải bàn giao lại diện tích đất thuộc quyền sử dụng cho chủ đầu tư dự án.
Trường hợp theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt không tiếp tục xây dựng lại nhà chung cư thì các chủ sở hữu được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất theo tỷ lệ diện tích sử dụng chung được xác định theo quy định và được bố trí tái định cư tại địa điểm khác theo dự án nếu có nhu cầu…