Bộ LĐ-TB&XH vừa hoàn thành và trình Chính phủ dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, điểm đáng chú ý là đề xuất điều chỉnh một số chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.
Theo tờ trình, Bộ LĐTB&XH kiến nghị tất cả người có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng từ 1 tháng trở lên; quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã đều phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong khi theo Luật hiện hành hiện nay hợp đồng từ 3 tháng trở lên mới phải tham gia BHTN.
Mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cũng được đề xuất thay đổi. Thay vì lao động đóng 1% tiền lương tháng, chủ sử dụng đóng 1% tổng quỹ lương tháng và ngân sách nhà nước hỗ trợ 1% như hiện nay, Luật sửa đổi sẽ chỉ quy định mức tối đa là 1%.
Thực tế có thời điểm Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn và cơ quan quản lý muốn giảm mức đóng cho người lao động từ 1% xuống 0,5% tiền lương tháng, nhưng vì trái Luật Việc làm nên phải xin ý kiến Quốc hội.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động, chủ doanh nghiệp trước các biến động lớn; quy định về sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong trường hợp cấp bách.
Dự kiến Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội khóa 15 xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tháng 10/2024; thông qua tại kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025 và có hiệu lực ngày 1/1/2026.
Theo quy định hiện hành, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng.
Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, đóng đủ 12-36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; đóng thêm đủ 12 tháng được hưởng thêm một tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng.