Miễn visa, khách tăng tới 20% 

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cho hay, vừa qua Bộ VH-TT&DL đã đề xuất "Phương án Mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới" dự kiến từ 15/3 tới. Tuy nhiên, tới nay, vẫn còn một số ý kiến của các bên chưa thống nhất, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi nhưng vẫn an toàn choĐề xuất miễn thị thực cho công dân Úc, New Zealand, Canada và Thụy Sĩ khách quốc tế đến Việt Nam.

Vì thế, mới đây, TAB phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã đề xuất tới Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng về "Thực trạng chính sách thị thực của Việt Nam và một số đề xuất nhằm cải thiện chính sách thị thực".

Dẫn số liệu từ Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), TAB nhấn mạnh, việc ban hành chính sách thuận lợi về thị thực nhập cảnh làm tăng lượng khách du lịch quốc tế từ 5-25% mỗi năm.

Đặc biệt, chính sách miễn thị thực du lịch làm tăng 16,6% nhu cầu đi lại, làm tăng số việc làm trực tiếp trong ngành du lịch thêm 1,6-3,1%.  

{keywords}
Kiến nghị cần ban hành chính sách miễn visa sớm để kịp thời điểm mở cửa du lịch (15/3)

Theo nghiên cứu của TAB về tác động của việc miễn thị thực cho 5 nước Bắc Âu, số lượt khách quốc tế trung bình từ các quốc gia Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý tăng gần 20%. So với các nước ASEAN khác, tác động của việc miễn thị thực nhập cảnh đơn phương của Việt Nam là tích cực hơn, làm tăng số khách du lịch quốc tế đến, doanh thu từ du lịch gia tăng cao hơn nhiều lần sự giảm thu do miễn phí visa.

Hội đồng Tư vấn du lịch dẫn chứng, nhiều nước trong khu vực ASEAN đã sử dụng chính sách tạo thuận lợi về thị thực, như Thái Lan miễn thị thực du lịch cho công dân của 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, Indonesia là 70 quốc gia, Philippines 157 quốc gia). Các nước này đều áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương 30 ngày để thu hút thêm khách du lịch quốc tế. 

Khảo sát gần đây của các quốc gia châu Âu cho thấy, sau khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ,  nhu cầu đi du lịch đường dài của khách du lịch Anh, Pháp, Đức thường trên 15 ngày tại một quốc gia điểm đến.

Trong khi đó, mức chi tiêu bình quân trên đầu người của khách du lịch Tây Âu tại Việt Nam là khoảng 1.200-1.400 USD, cao hơn nhiều so với mức chi tiêu bình quân của khách du lịch từ các thị trường gần là khoảng 700-1.000 USD.

Đề xuất miễn thị thực cho công dân 4 nước

Tại Việt Nam, trước khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam (tháng 1/2020), chính sách miễn thị thực được áp dụng cho cả khách mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và phổ thông, gồm 88 nước miễn thị thực song phương và 13 nước miễn đơn phương.

Tuy nhiên, do phần lớn khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam mang hộ chiếu phổ thông nên chính sách miễn thị thực của Việt Nam chỉ được tính là áp dụng cho 24 nước, gồm 13 nước được miễn đơn phương và 11 nước song phương.

{keywords}
Trong giai đoạn 1 thí điểm, Việt Nam đón được 9.500 khách quốc tế

Trong số này, ông Chính cho hay tính đến 30/6/2021, có 5 nước Tây Âu (gồm Anh, Đức, Italia, Pháp, Tây Ban  Nha) - là các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam - đã hết thời hạn miễn thị thực vào Việt Nam. Như vậy, với kiến nghị của Bộ VH-TT&DL trình Chính phủ là “áp dụng các chính sách thị thực cho khách nhập cảnh Việt Nam như đã thực hiện từ trước năm 2020” thì hiện chỉ còn 19 nước được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam ngay.

"Nhóm 5 nước nêu trên cần có thêm Nghị quyết 'gia hạn thị thực' từ Chính phủ thì chính sách miễn thị thực mới tương đương với trước dịch", các chuyên gia lưu ý.

Ngoài ra, có 8 nước khác sẽ hết thời hạn miễn thị thực vào ngày 30/12/2022, đây cũng là thị trường trọng điểm của Việt Nam gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và một số nước Bắc Âu. 

Trước năm 2020, Việt Nam cũng đã áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân của 80 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, trong số các nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam, vẫn còn một số nước vừa không được áp dụng chính sách miễn thị thực, vừa không được áp dụng cấp thị thực điện tử.

Vì vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh về du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về thị thực cho các thị trường xa, có nhiều khách hơn đến Việt Nam và có mức chi tiêu bình quân cao hơn, TAB đề nghị thực hiện gấp việc gia hạn 3 năm miễn thị thực đơn phương cho 5 nước Tây Âu trước 15/3; đồng thời, kéo dài thời gian tạm trú tại Việt Nam lên 30 ngày. 

Ngoài ra, mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho công dân các quốc gia Úc, New Zealand, Canada và Thụy Sĩ; gia hạn thời gian 3 năm miễn thị thực đơn phương từ 1/1/2023 cho Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Đan Mạch, Na  Uy, Phần Lan và Belarus. 

Bổ sung các nước được cấp thị thực điện tử như Đài Loan, Israel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan và tất cả các quốc gia châu Âu chưa được miễn thị thực nhập cảnh.

Hoạt động truyền thông, quảng bá quốc tế về quyết định mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam cũng như các “điểm nhấn chính sách”, bao gồm các chính sách về miễn thị thực, thị thực điện tử, cũng cần được đẩy mạnh để thu hút du khách - TAB khuyến nghị. 

Ngọc Hà 

Khó xin visa nhập cảnh, mở cửa đón khách vấp ngay 'rào cản'

Khó xin visa nhập cảnh, mở cửa đón khách vấp ngay 'rào cản'

Tái khởi động du lịch, DN gặp khó khăn khi làm thủ tục xin visa nhập cảnh cho khách quốc tế vì còn nặng nhiều quy định thời kỳ chống dịch.