Theo Bộ Xây dựng, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng còn khó khăn, Bộ Xây dựng ủng hộ chủ trương giao UBND tỉnh Quảng Nam là cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu phương án huy động nguồn lực để đầu tư phát triển cảng hàng không Chu Lai theo phương thức PPP.

“Trong giai đoạn trước mắt, đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng và cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thiện Quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở nghiên cứu phương án đầu tư cho phù hợp”, Bộ Xây dựng nêu.
Về cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án, Luật Đầu tư theo phương thức PPP cũng quy định cơ quan có thẩm quyền bao gồm Bộ hoặc UBND cấp tỉnh (khoản 1, Điều 5); trường hợp dự án thuộc phạm vi quản lý của nhiều cơ quan có thẩm quyền hoặc trong trường hợp thay đổi cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan này báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định giao một cơ quan làm cơ quan có thẩm quyền (khoản 3, Điều 5).
“Như vậy, thẩm quyền xem xét, giao UBND tỉnh Quảng Nam là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đầu tư Cảng hàng không Chu Lai theo phương thức PPP là của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ Xây dựng nêu quan điểm.
Trước đó, vào trung tuần tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương triển khai thực hiện việc đầu tư, khai thác cảng hàng không Chu Lai.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu địa phương kêu gọi đầu tư khai thác cảng theo quy hoạch và định hướng hình thành hệ sinh thái kinh tế và đô thị sân bay; phấn đấu hoàn thành các thủ tục đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2025 và hoàn thành việc xây dựng cảng trong thời gian 2 năm.
Cuối tháng 11/2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã trình Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không Chu Lai. Theo đề án, sân bay Chu Lai được nâng đời đồng bộ 1 đường cất hạ cánh mới kích thước 3.048 x 45m, hệ thống đường lăn (đường lăn song song, đường lăn nối), sân đỗ tàu bay (32-40 vị trí đỗ); nhà ga hành khách đáp ứng công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm và 1 nhà ga hàng hóa có công suất khoảng 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng nhu cầu vốn đầu tư “nâng đời” cảng hàng không Chu Lai là khoảng 11.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư khu bay khoảng 3.500 tỷ đồng; sân đỗ khoảng 1.000 tỷ đồng; khu hàng không dân dụng khoảng 6.500 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng theo quy định). |