Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chính phủ đề nghị bổ sung thêm 10 dự án luật vào chương trình năm 2023. Tại kỳ họp 5 sẽ diễn ra vào tháng 5, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Đây là dự án đã được Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Ngoài ra, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến 5 dự án luật gồm: Luật căn cước công dân; Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật đường bộ; Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Với Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chính phủ cho biết, xây dựng luật này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ căn cước công dân, phục vụ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Dự án luật tập trung vào các 4 nhóm chính sách gồm:
Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ căn cước công dân; thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước công dân.
Bổ sung thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước.
Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.
Sang đến kỳ họp thứ 6, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Ngoài ra, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến 3 dự án tại kỳ họp thứ 6, gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đến năm 2024, Chính phủ đề nghị chương trình gồm 14 dự án luật. Cụ thể, tại kỳ họp 7, trình Quốc hội thông qua 5 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp 6.
Đồng thời, cho ý kiến 7 dự án luật gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân.
Tại kỳ họp 8, Chính phủ trình Quốc hội thông qua 7 dự án, là các dự án được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án gồm: Luật Dân số (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi).