Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ nâng mức chuẩn trợ cấp hàng tháng hiện nay từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng hoặc 750.000 đồng với đối tượng bảo trợ xã hội.
Ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đề xuất trên không chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu cho nhóm người không tự chăm lo cho cuộc sống như người cao tuổi, trẻ mồ côi mà còn thu hẹp khoảng cách các nhóm trong xã hội khi từ 1/7/2024 thực hiện cải cách tiền lương.
Hiện nay, cả nước có khoảng 3,7 triệu người đang hưởng nhận trợ cấp hàng tháng với khoảng 28.000 tỷ đồng/năm; trong đó bao gồm trợ cấp, hỗ trợ chăm sóc, bảo hiểm y tế.
Theo ông Tô Đức, chuẩn trợ cấp hiện rất thấp, chỉ đạt 24% so với chuẩn nghèo khu vực nông thôn của giai đoạn 2021-2025 (1,5 triệu đồng/tháng) hoặc 20% so với lương cơ sở từ 1/7/2023 (1,8 triệu đồng/tháng).
Theo phương án đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, nếu mức trợ cấp hàng tháng tăng lên 500.000 đồng mỗi người/tháng, ngân sách dự kiến chi khoảng 37.000 tỷ đồng/năm. Nếu thực hiện từ 1/7 tới, kinh phí phát sinh 4.700 tỷ đồng.
Còn nếu phương án tăng lên 750.000 đồng/tháng ngân sách dự kiến chi 54.000 tỷ đồng/năm. Nếu thực hiện từ 1/7 tới, kinh phí bố trí thêm khoảng 13.000 tỷ đồng.
Khi cải cách tiền lương, khoảng cách giữa chuẩn trợ giúp xã hội sẽ tiếp tục được nới rộng. Do vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng phương án, lấy ý kiến bộ ngành, đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu, bố trí tăng nguồn lực dành cho đối tượng này phù hợp với điều kiện ngân sách trong bối cảnh cải cách tiền lương.
Mức hỗ trợ tăng này mới hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu tối thiểu của người dân về cơm ăn, áo mặc, điện nước sinh hoạt, trong khi còn nhiều nhu cầu về tinh thần, chăm lo y tế, giáo dục.
Lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội thông tin thêm, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Trung ương ban hành nghị quyết 42 về đổi mới, nâng cao chính sách xã hội.
Với mục tiêu xây dựng chính sách an sinh toàn diện, toàn dân, nhiều tầng, nhiều lớp, trợ giúp xã hội chỉ là tầng cuối của hệ thống an sinh, nhằm đảm bảo một phần nhu cầu thiết yếu tối thiểu cho người dân.