Thêm trường hợp xe máy được "kẹp 3"
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến người dân, trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý, tác động trực tiếp và nhiều hơn đến người điều khiển phương tiện so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
Theo đó, tại khoản 1, Điều 31 dự thảo Luật có đề cập, người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ 4 trường hợp được chở tối đa hai người. Đó là các trường hợp: người bệnh đi cấp cứu; áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; trẻ em dưới 14 tuổi và người già yếu hoặc người khuyết tật.
Như vậy, so với Luật Giao thông đường bộ 2008, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung thêm 1 trường hợp là nhóm người già yếu, người khuyết tật vào đối tượng mà người điều khiển xe máy được chở thêm tối đa 2 người.
Các trường hợp xe được phép "kẹp 3" thì người ngồi trên mô tô, xe máy vẫn phải đội mũ bảo hiểm cũng như chấp hành đầy đủ các quy định.
Vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn
Theo ghi nhanh của VietNamNet, nhiều ý kiến người dân đồng tình và ủng hộ với việc sửa đổi trên.
Anh Lương Thanh Tùng (41 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, việc bổ sung thêm hai đối tượng là người khuyết tật và người già như đề xuất là rất nhân văn, hợp tình hợp lý bởi đây cũng là những người yếu thế về tuổi tác, sức khoẻ, cần được ưu tiên bảo vệ. Trên thực tế, nhiều người già yếu hay người khuyết tật không thể tự ngồi sau xe máy một cách an toàn nếu không có thêm người đi kèm.
Tuy vậy, anh Tùng cũng chỉ ra rằng, Luật cần quy định rõ ràng hơn, đó là chỉ 1 người già yếu hoặc người tật nguyền ngồi sau xe máy trong trường hợp "kẹp 3", người còn lại phải khoẻ mạnh bình thường thì mới đảm bảo an toàn.
"Như trong dự thảo, nếu ghi là "chở tối đa hai người - người già yếu và người khuyết tật" thì sẽ có nhiều trường hợp chở theo sau đến hai người già yếu và khuyết tật, lúc đó thì còn nguy hiểm hơn và không còn tính nhân văn là bảo vệ an toàn cho đối tượng này. Theo tôi, cần quy định rõ là được chở thêm tối đa 2 người, trong đó chỉ có 1 người già yếu hoặc người khuyết tật", anh Lương Thanh Tùng phân tích.
Đồng tình với ý kiến trên, chị Nguyễn Thanh Minh (29 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) cũng cho rằng, việc bổ sung thêm nhóm người già yếu, khuyết tật được ưu tiên có thể chở thêm bằng xe máy là hợp lý, nhưng cần có quy định rõ ràng để tránh gây khó xử, thậm chí tranh cãi trong quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT.
"Quy định cần lượng hoá cụ thể thế nào là già yếu, khuyết tật? Bao nhiêu tuổi gọi là già và thế nào là yếu? Và người khuyết tật cần có đặc điểm hay giấy tờ gì để chứng minh không? Tránh trường hợp người dân cố tình vi phạm rồi tranh cãi với CSGT", chị Minh đặt vấn đề.
Cũng cơ bản đồng tình với điểm bổ sung nói trên trong dự thảo Luật, nhưng anh Nguyễn Văn Quý (38 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) lại tỏ ra "lấn cấn" về việc chở trẻ em dưới 14 tuổi.
"Tôi thấy trẻ em 13-14 tuổi bây giờ rất lớn, có cháu còn cao to không kém gì người trưởng thành. Thế nên cần thiết phải nghiên cứu quy định lại độ tuổi hoặc có thể khống chế chiều cao, cân nặng của đối tượng này trong trường hợp đi xe máy "kẹp 3" để đảm bảo an toàn", anh Quý chia sẻ với PV VietNamNet.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao đường bộ gồm 8 chương, 62 điều, trong đó có một số nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Dự kiến, tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 12-14/7/2023 sẽ cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nói trên.
Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!