Theo Bộ GTVT, việc thu phí tại đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng dịch vụ chất lượng, tiết kiệm thời gian khi di chuyển trên các tuyến đường.
Thu phí giúp giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước
Một trong những điểm mới tại Dự thảo Luật Đường bộ, đó là Bộ GTVT đề xuất thu phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư theo số km phương tiện chạy trên đường.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách Nhà nước không thu phí. Thay vào đó, Nhà nước thu phí bảo trì trên đầu phương tiện khi đăng kiểm.
Lý giải việc đưa ra đề xuất này, Bộ GTVT cho biết, ước tính, đến năm 2030, toàn quốc cần 813.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc, trong đó đến 2025 cần 393.000 tỷ đồng để hoàn thành 2.000km và khởi công 925km. Trong 10 năm tới, ngân sách cần đầu tư 239.000 tỷ đồng xây mới cao tốc, bình quân 24.000 tỷ đồng/năm.
Với phương án thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ GTVT cho rằng sẽ thu hút nguồn lực khu vực tư nhân và đảm bảo mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có 5.000km cao tốc. Thu phí còn giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, nhất là với công trình đường bộ quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao.
Người dân, doanh nghiệp tốn thêm phí sử dụng cao tốc nhưng được thụ hưởng dịch vụ chất lượng, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh. Giải pháp này tương thích với các điều ước quốc tế về giao thông đường bộ mà Việt Nam là thành viên.
Bộ GTVT cũng cho rằng, nếu không thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, lợi ích kinh tế - xã hội với người dân, doanh nghiệp giữ nguyên như hiện nay. Tuy nhiên, phát triển hạ tầng giao thông khó tạo đột phá. Người dân, doanh nghiệp không mất phí cao tốc nhưng tăng chi phí nhiên liệu, thời gian, giảm hiệu quả kinh doanh.
Ủng hộ đề xuất này, TS. Phan Lê Bình, chuyên gia quy hoạch giao thông nhấn mạnh, ngân sách nước ta còn eo hẹp, trong khi đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đòi hỏi nguồn tiền vô cùng lớn.
“Vì vậy, việc thu phí từ các tuyến đường cao tốc (ngay cả những tuyến đầu tư bằng ngân sách Nhà nước) là rất cần thiết để góp phần giảm áp lực cho ngân sách.
Xét từ góc độ của các chủ phương tiện, họ hoàn toàn có thể tự lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng đường cao tốc.
Ví dụ, như khi đi từ Hà Nội đến Hải Phòng, người không muốn trả nhiều phí sẽ sử dụng quốc lộ 5, tốc độ di chuyển chậm, tốn thời gian.
Ngược lại, những người sẵn sàng trả phí sẽ sử dụng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tiết kiệm thời gian, giảm rủi ro tai nạn giao thông”, TS. Phan Lê Bình dẫn chứng.
Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư, cần giảm mức đóng phí bảo trì
Anh Nguyễn Văn M., tài xế tuyến đường Hà Nội - Nghệ An cho biết, theo quy định hiện hành, với những tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư như Mai Sơn - QL45 sẽ không mất phí. Tuy nhiên, mỗi lần đưa xe đi kiểm định, chủ xe đều phải đóng phí đường bộ.
"Nếu bây giờ quyết định thu phí cả ở những tuyến đường do Nhà nước đầu tư, trong khi chủ xe tiếp tục phải đóng phí đường bộ, như vậy là phí chồng phí", anh M. chia sẻ.
Nhiều tài xế cũng bày tỏ băn khoăn, nếu thu phí ở các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, mức giá có đồng nhất như các trạm BOT (được thực hiện bởi doanh nghiệp tư nhân).
TS. Phan Lê Bình cho rằng, mức phí phải được xem xét cân đối với lưu lượng giao thông, khả năng chi trả, mong muốn chi trả của người dân tại từng thời điểm.
“Theo đó, năm nay có thể thấp, những năm sau có thể điều chỉnh cao lên, tùy theo tình hình phát triển kinh tế, nhưng phải có những hạn mức nhất định, không thể tùy ý thay đổi với biên độ quá lớn. Cần cân nhắc về mức phí giữa tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư với trạm BOT đầu tư chạy song hành, có khả năng chia khách", TS. Phan Lê Bình nói.
TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông thì cho rằng, chủ trương thu phí trên các tuyến đường do Nhà nước đầu tư là cần thiết nhưng cần có chính sách riêng.
"Hệ thống đường giao thông thuộc công cộng chứ không phải thương mại hóa hết. Đời sống của người dân hiện nay đang khó khăn. Mỗi ô tô lăn bánh đã chịu rất nhiều loại phí, nếu tiếp tục thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ là “đụng” vào túi tiền, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, doanh nghiệp”, ông Thủy nhấn mạnh.
Vì vậy, TS. Nguyễn Xuân Thủy kiến nghị, ở các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, nếu thu phí, cần thu thấp hơn so với các trạm thu phí BOT (khoảng 40%).
“Nếu thu phí với tất cả các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, phải giảm bớt phí bảo trì đường bộ. Mức giảm như thế nào thì Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng bàn thảo để đưa ra con số hợp lý”, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ nhấn mạnh.
Với nhiều năm làm việc ở nước ngoài, TS. Phan Lê Bình thông tin, trên thế giới, có một số nước không thu phí trên đường cao tốc, điển hình là Mỹ và một số nước châu Âu phát triển.
Trái lại, cũng là nước phát triển nhưng vẫn triệt để thu phí sử dụng đường cao tốc như Nhật, Hàn Quốc...
“Cũng cần phải lưu ý rằng, ngay tại Mỹ, vẫn có những làn đường có thu phí trên tuyến cao tốc không thu phí.
Tuy nhiên, việc thu phí trên làn đường này thể hiện ý đồ “người hưởng lợi phải trả phí”. Nghĩa là trên làn đường đó lưu lượng giao thông thấp, chủ phương tiện có thể di chuyển nhanh hơn những làn còn lại, chứ không phải thu phí để nhằm mục đích hoàn vốn đầu tư”, TS. Phan Lê Bình cho hay.