Cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu đang bước vào giai đoạn quyết liệt và Trung Quốc, với DeepSeek – mô hình AI do startup cùng tên phát triển – đang khẳng định vị thế dẫn đầu.

Được thành lập vào năm 2023 bởi Liang Wenfeng - cựu sinh viên Đại học Chiết Giang và nhà sáng lập quỹ High-Flyer, DeepSeek đã nhanh chóng trở thành biểu tượng cho tham vọng AI của Trung Quốc. Đến nay, mô hình này đã len lỏi vào nhiều ngành nghề và lĩnh vực, từ công nghệ, giao thông, đến giáo dục và quản lý công, nhờ hiệu suất cao và chi phí thấp.

Khắp nơi đều là DeepSeek

DeepSeek đã trở thành “xương sống” cho các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc. Huawei tích hợp mô hình DeepSeek-R1 vào trợ lý Xiaoyi trên các thiết bị dùng chip Ascend, tăng khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Các hãng như Oppo, Honor, Vivo, Xiaomi… cũng có kế hoạch tương tự để nâng cao tính năng xử lý hình ảnh, văn bản.

Trong khi đó, theo SCMP, Tencent ứng dụng DeepSeek để nâng cấp trợ lý trò chơi, cải thiện trải nghiệm người dùng với chi phí giảm đáng kể. Ngành viễn thông cũng hưởng lợi khi China Mobile hợp tác với DeepSeek để tối ưu hóa mạng lưới, đạt hiệu suất tương đương các hệ thống dùng chip cao cấp toàn cầu. “Chúng tôi muốn đẩy nhanh chuyển đổi số bằng AI nội địa”, một lãnh đạo China Mobile phát biểu.

deepseek nikkei
Các mô hình của DeepSeek được ứng dụng rộng rãi trong mọi ngành nghề, lĩnh vực của Trung Quốc. Ảnh: FT

Trong giao thông, DeepSeek thay đổi cách vận hành cảng biển và phương tiện cá nhân. Cảng Ninh Ba tăng hiệu suất 18% nhờ điều phối hàng hóa bằng AI. Great Wall Motor tích hợp DeepSeek vào hệ thống xe thông minh “Coffee Intelligence”, hỗ trợ điều hướng và tương tác. Theo truyền thông địa phương, hơn 20 thương hiệu xe trong nước đã công bố kế hoạch dùng DeepSeek, tập trung cải thiện các tính năng AI hiện tại như điều khiển giọng nói, bản đồ, nghe nhạc, tìm kiếm web hay nhắn tin.

Ở cấp độ đô thị, thành phố Thâm Quyến triển khai DeepSeek trên nền tảng đám mây cho chính quyền, giảm thời gian xử lý yêu cầu công dân xuống dưới 1 phút. Một quan chức cho biết: “DeepSeek giúp phản hồi nhanh hơn và quản lý hiệu quả hơn trong một thành phố hơn 17 triệu dân”. Bắc Kinh lại dùng DeepSeek để phân tích giao thông thời gian thực, giảm ùn tắc 12% trong giờ cao điểm, theo Nikkei.

Trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học, DeepSeek cũng phát huy tác dụng. Đơn cử, DeepSeek Math trở thành công cụ không thể thiếu trong giáo dục STEM tại các trường đại học như Thanh Hoa, vượt trội GPT-4 trong giải toán. Giáo sư Zhang Wei của Đại học Thanh Hoa nhận xét các công cụ AI như DeepSeek đang “thúc đẩy tư duy sáng tạo”.

Trong y tế, gần 100 bệnh viện trên cả Trung Quốc thông báo sẽ ứng dụng DeepSeek trong điều hành, hỗ trợ các hoạt động như chẩn đoán, điều trị, phân tích hình ảnh y khoa, kiểm soát chất lượng hồ sơ bệnh án, nghiên cứu tác dụng của thuốc mới. Bệnh viện Nhân dân Thượng Hải còn thử nghiệm DeepSeek để phân tích dữ liệu gen.

Công lớn của Chính phủ Trung Quốc

DeepSeek là minh chứng rõ ràng nhất cho thành công của Bắc Kinh trong lĩnh vực AI, được hỗ trợ bởi các chính sách như “Made in China 2025” hay “Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới”. Có thể nói, Trung Quốc đã chuẩn bị một nỗ lực “dài hơi”, bài bản, toàn diện và không hề rẻ để từng bước chinh phục và thống trị các lĩnh vực công nghệ quan trọng với tương lai như AI, điện toán lượng tử hay xe điện.

Khác với cách tiếp cận theo hướng thị trường của Silicon Valley, sự phát triển AI của Trung Quốc được hỗ trợ rất nhiều bởi tài trợ từ nhà nước, chính sách quốc gia và quyền truy cập dữ liệu rộng lớn. Mục tiêu chính của chính phủ là tích hợp AI vào các lĩnh vực trọng điểm như y tế, sản xuất và quốc phòng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia.

deepseek bloomberg
DeepSeek đại diện cho bước nhảy vọt của Trung Quốc trong lĩnh vực AI. Ảnh: Bloomberg

Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới tập trung đầu tư quy mô lớn vào các startup AI và triển khai rộng rãi các hệ thống giám sát dựa trên AI, định vị Trung Quốc như một lực lượng thống trị trong cuộc đua AI. Trong khi đó, Made in China 2025 dành hơn 1,5 nghìn tỷ USD cho R&D, M&A và cơ sở hạ tầng. Những khoản đầu tư đáng kể này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực công nghệ cao mà còn giúp nhanh chóng bắt kịp, thậm chí vượt qua các đối thủ cạnh tranh.

Giám đốc sản phẩm Liu Zhuohu của Oppo cho rằng, họ từng nghĩ phải mất 2 năm để đào tạo AI cho công chúng. Song nhờ có DeepSeek, hiện nay ai cũng biết về AI. Còn theo nhà nghiên cứu Zhai Yun của Trường Đảng Trung ương, việc tích hợp sâu DeepSeek không chỉ giúp đẩy nhanh các giải pháp cho những vấn đề bức thiết trong quá trình chuyển đổi số mà còn hỗ trợ lấp đầy “khoảng cách trí tuệ”, cho phép toàn xã hội tận hưởng những lợi ích do AI mang lại.

Nhờ hiệu suất cao, chi phí thấp, “DeepSeek đã thay đổi mọi thứ, khởi xướng nỗ lực toàn quốc nhằm thúc đẩy AI Trung Quốc”, một nhà cung ứng công nghệ cho các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc nhận xét.

Một kỹ sư AI tại Hàng Châu nói tốc độ lan rộng của DeepSeek “vô cùng đáng kinh ngạc”. Trước khi mô hình ra đời, các tổ chức truyền thống như cơ quan nhà nước, bệnh viện rất lo lắng khi giới thiệu các ứng dụng AI vì lo ngại sẽ có điều rắc rối xảy ra. Tuy nhiên, chính họ lại đang cởi mở hơn bao giờ hết với DeepSeek. Chính quyền Thiên Tân và Hàng Châu ra mắt chatbot AI dựa trên DeepSeek để người dân có thể hỏi mọi thứ, từ đóng thuế đến thu gom rác, chứng sinh. Quận Phúc Thiên (Thâm Quyến) lại phát triển nhiều AI Agent, bao gồm công cụ cho phép nhân viên hành pháp soạn thảo báo cáo hành chính.

Tại Quảng Châu, nhờ có DeepSeek, hệ thống dịch vụ công xử lý 80% yêu cầu trực tuyến với thời gian phản hồi trung bình 30 giây. Bộ Giao thông vận tải cũng ứng dụng DeepSeek để quản lý mạng lưới đường sắt cao tốc, giảm 15% sự cố kỹ thuật.

Một lý do khiến DeepSeek được đón nhận rộng rãi như vậy là nhà sáng lập Wenfeng được mời đến hội nghị chuyên đề do Chủ tịch nước Tập Cận Bình chủ trì. Doanh nhân sinh năm 1985 ngồi hàng đầu cùng với các tên tuổi lớn của công nghệ Trung Quốc như Nhậm Chính Phi của Huawei, Pony Ma của Tencent hay Jack Ma của Alibaba.

Theo Huang Guang Bin, chuyên gia AI tại Đại học Đông Nam ở Nam Kinh, Chính phủ Trung Quốc không từ chối công nghệ mới mà khi xác định một hướng đi rõ ràng, họ sẽ chủ động quảng bá nó một cách mạnh mẽ. Đây chính xác là những gì đang xảy ra với DeepSeek.