- Bão đổ bộ, sở chỉ huy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển cả đêm không ngủ. Ở vị trí tướng lĩnh tham mưu, ông phải tính toán để bảo vệ dân cũng như chiến sĩ vẫn được an toàn.
Tiếp cuộc bàn tròn, Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển VN (CSB) và Thiếu tá Bùi Mạnh Hùng, chính trị viên tàu CSB 8001 chia sẻ những tình huống thực địa từng khiến họ có những "đêm trắng".
Lý trí và trách nhiệm
Nhà báo Vân Anh: Nói đến chống cướp biển, đây là chiến công khiến các nước trong khu vực rất nể phục VN. Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu có thể chia sẻ lý do?
Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Cướp biển là vấn nạn, đe dọa trực tiếp đến an ninh, an toàn trên biển, là mối quan tâm của nhiều quốc gia, không riêng VN.
Các nước thậm chí đã sử dụng lực lượng hùng mạnh để chống cướp biển, cướp có vũ trang như Mỹ, Pháp, TQ, Hàn Quốc đã điều động nhiều tàu hiện đại chống hải tặc ở nhiều vùng biển như Somalia hay trên các vùng biển châu Á.
Vừa qua, chúng tôi đã thực hiện một số vụ chống cướp biển, cướp có vũ trang thành công, điển hình là vụ bắt gọn 11 tên cướp cướp tàu Rafiap (Malaysia). Cướp biển trong vòng hai ngày đã thay đổi được màu sơn, thay đổi hô hiệu, thậm chí bắt các con tin thả xuống xuồng để chiếm tàu, đưa hàng hóa đi tiêu thụ.
Bằng nghiệp vụ của mình, bằng hợp tác quốc tế, chúng ta đã tổ chức truy tìm, nhận dạng, Khi phát hiện xác định chính xác thì tổ chức trấn áp, đồng thời chọn lựa giải pháp tốt nhất, vừa bắt gọn được cướp biển vừa đảm bảo an toàn cho tàu, cũng như lực lượng truy bắt hải tặc.
Đây là một trong những chiến công đặc biệt mà không phải nước nào cũng làm được. Dù phương tiện chưa hẳn hiện đại như nhiều nước nhưng chúng ta đã khiến các nước trong khu vực và trên thế giới trân trọng lực lượng thực thi pháp luật VN nói riêng và VN nói chung.
Chúng ta cũng đã thể hiện sự trách nhiệm trong đảm
bảo an ninh, an toàn trên biển.
XEM CLIP NÓI VỀ NHỮNG GIỜ PHÚT ĐỐI MẶT NGUY HIỂM CỦA CSB:
Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Tình huống để lo lắng trằn trọc không phải là ít, không phải riêng tôi mà bất cứ chỉ huy nào cũng thế. Đảng, Nhà nước, nhân dân giao trách nhiệm cho mình, mình phải lo lắng làm sao thực hiện cho tốt. Đối với tôi kể ra có nhiều, nhưng có những việc để đời ví như trận bão 2012.
Khi báo bão di chuyển lúc đầu báo khác, sau đó đổ bộ vào, làm sao để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền của ngư dân trên biển. Cả sở chỉ huy Bộ tư lệnh CSB cả đêm không ngủ. Bão vào gần, người chỉ huy làm sao tính toán để bảo vệ dân nhưng anh em vẫn được an toàn. Những lúc như thế này vừa đan xen cả lý trí và trách nhiệm.
Rồi vụ bắt cướp biển tàu Rafiap. Cũng là một đêm
không ngủ, lo tìm tàu cướp, lo đảm bảo an toàn cho anh em.
Nhà báo Vân Anh: Vậy còn sự kiện năm 2014?
Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Riêng với sự kiện nóng bỏng trên biển năm 2014, chúng tôi là những người trực tiếp chỉ huy chỉ đạo điều hành lực lượng tham gia đấu tranh trên thực địa. Đồng thời còn đảm nhiệm nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí.
Đây là nhiệm vụ lớn và mới, bản thân tôi cũng lo lắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao, làm sao để đề xuất lên cấp trên những đối sách mới nhất, hiệu quả, nhằm xử lý diễn biến trên biển hợp lý, chỉ đạo anh em thực hiện đối sách. Điều này không chỉ riêng cá nhân tôi mà có nhiều người cùng lo.
Nhà báo Vân Anh: Ở cương vị của Thiếu tướng, tôi nghĩ luôn cần giữ một cái đầu lý trí, không để cảm xúc riêng lấn át trong những tình huống như vùng biển chủ quyền bị đe dọa, ngư dân gặp nạn hay những mối nguy hiểm trên biển khác. Những lúc như thế, ông thường nghĩ đến điều gì?
Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Bạn hỏi câu hỏi riêng tư. Tôi cho rằng, là tướng, là lãnh đạo thì cũng là con người. Lý trí cần để xử lý công việc. Chúng tôi gọi đó là bản lĩnh người chỉ huy. Nhưng ngoài lý trí, luôn có sự đan xen tình cảm, trách nhiệm gắn vào đó. Có những việc có thể xử lý bằng lý trí, có những việc phải đan xen cả tình cảm và trách nhiệm.
Ví dụ tổ chức anh em cứu hộ cứu nạn trong điều kiện
thời tiết khắc nghiệt. Lúc đó, người chỉ huy phải cân nhắc, tính toán làm sao
vừa cứu được dân, vừa bảo vệ được đồng đội của mình. Cũng như khi đấu tranh trên
thực địa. Vừa phải giữ vững quyết tâm bảo vệ chủ quyền, nhưng lại phải làm sao
bảo vệ được anh em, bảo vệ tài sản.
Bản thân tôi là con người, cũng có đời sống thường nhật.
Nhà báo Vân Anh: Xin hỏi ông một câu riêng tư khác. Ông có chơi môn thể thao nào không?
Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Tôi cũng có chơi thể thao, vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa giảm bớt căng thẳng công việc. Ngoài ra có thời gian tôi thăm nom bạn bè, vui với con cháu. Đó là cách tạo cho mình sự hứng khởi, cũng như tâm thế tốt hơn để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
Ngư dân yên tâm bám biển
Nhà báo Vân Anh: Một trong những đối tượng mà CSB thường xuyên trực tiếp làm việc đó là ngư dân. Dư luận nhìn chung mỗi lần nghe tin ngư dân bị cướp bóc, bị bắt bớ, bị đâm, xua đuổi tàu thuyền khi đánh bắt cá là bức xúc, lo lắng về những nguy hiểm mà họ đối mặt trên biển.
Và họ thường đặt câu hỏi CSB có thể làm thế nào bảo vệ ngư dân của mình trên biển? Nhất là những tình huống phức tạp va chạm tàu thuyền nước ngoài lớn hơn, uy hiếp bằng sức mạnh của tàu lớn đối với tàu bé thô sơ của ngư dân ta?
Thiếu tá Bùi Mạnh Hùng: Là người trực tiếp hoạt động trên biển, chúng tôi hàng ngày hàng giờ, liên tục phối hợp các lực lượng như biên phòng, kiểm ngư có mặt trên các vùng biển để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế trên các vùng biển. Rất mong nhận được thông tin chính xác kịp thời của ngư dân để chúng tôi xử lý.
CSB đang hỗ trợ nhân dân, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển rất hiệu quả khi có thông tin chính xác, kịp thời. Nhưng trong năm vừa qua, cũng có một số thông tin khi đến CSB thì quá muộn. Nhưng với CSB, khi nhận nhiệm vụ thì coi đó là mệnh lệnh từ trái tim, chúng tôi sẽ khắc phục khó khăn gian khổ, thực hiện hết trách nhiệm, hết đạo đức nghề nghiệp để làm sao hỗ trợ người dân như chính người thân của mình.
Nhà báo Vân Anh: Cá nhân tôi đã từng theo tàu CSB 8001 đi tuần tra, mỗi khi gặp ngư dân trên biển, họ đều tâm sự từ ngày có CSB họ cảm thấy rất yên tâm. Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu có chia sẻ gì với các ngư dân?
Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu: Chúng ta có vùng biển hơn 1 triệu km2 rất nhiều tiềm năng về dầu khí, thủy hải sản, là tuyến vận tải có ý nghĩa. Trong chiến lược biển, Đảng và Nhà nước cũng xác định mạnh lên từ biển, giàu vì biển.
Muốn vậy chúng ta phải triển khai các hoạt động kinh tế như thăm dò khai thác dầu khí, vận tải biển và đặc biệt bảo vệ tổ chức, bảo vệ ngư dân có mặt thường xuyên trên các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của VN, để họ yên tâm khai thác đánh bắt hải sản tại đó. Chúng ta vận động, tạo điều kiện để nhân dân đánh bắt. Có những vùng biển xa bờ hàng trăm hải lý, biến đổi khí hậu khiến thời tiết luôn có biến động.
Những ngư trường ngư dân VN khai thác, nhất là ngư
trường có nguồn thủy hải sản quý hiếm cũng là ngư trường có ngư dân nước ngoài
khai thác.
Ngư dân đã rất tích cực vừa hoạt động kinh tế đảm
bảo đời sống, vừa làm nhiệm vụ khẳng định bảo vệ chủ quyền. Bảo vệ chủ quyền là
bất biến, là thiêng liêng của mỗi người con đất Việt.
CSB đã rất quan tâm hỗ trợ nhân dân trong lúc đánh
bắt cá trên biển gặp nạn, hư hỏng tàu, thương tích. Đặc biệt ở những vùng biển
trọng điểm có nhiều tranh chấp, chúng tôi thường xuyên có mặt để tạo chỗ dựa,
tạo niềm tin để ngư dân yên tâm làm ăn.
XEM CLIP NÓI VỀ BẢO VỆ NGƯ DÂN:
Đêm tuần tra vịnh Bắc Bộ
Nhà báo Vân Anh: Có tình huống nào trong thực tế trải nghiệm khiến Thiếu tá Bùi Mạnh Hùng nhớ mãi?
Thiếu tá Bùi Mạnh Hùng: Sự kiện năm 2014 thì đã nói rất nhiều. Xin chia sẻ kỷ niệm khác.
Là chính trị viên khi ở Vùng 1 CSB, thời điểm tháng 11/2009, thời tiết phức tạp, chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra vịnh Bắc Bộ. Cả đêm đó chúng tôi thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát. Tới sáng, anh em cũng thấm mệt chuẩn bị thả neo thì rađa phát hiện một tốp tàu 15 - 20 chiếc nghi tàu nước ngoài vào vùng chủ quyền VN.
Khi chúng tôi đến gần 3 - 5 hải lý, các tàu này cắt lưới bỏ chạy. Một số ở lại cố tình dùng càng kéo lưới chạy trước mũi tàu CSB 2007, đưa càng vào cabin gây hư hỏng, cản trở tàu làm nhiệm vụ.
Ban chỉ huy tàu hội ý nhanh, báo cáo về sở chỉ huy.
Nếu không xử lý khéo sẽ tạo tiền lệ xấu cho tàu nước ngoài vào vùng biển chủ quyền chúng ta. Xuồng cùng tàu CSB đã tạo thành gọng kìm tiếp cận tàu nước ngoài. Khi đội kiểm soát lên cabin, thuyền trưởng tàu nước ngoài không hề biết. Khi chúng tôi gõ cửa cabin, thuyền trưởng mới gục xuống và chịu ký vào biên bản thừa nhận vi phạm.
Đó là một trong những kỷ niệm chúng tôi trải qua khi thực hiện nhiệm vụ trên biển.
Ban Thời sự - Clip: X.Quý - H.Phúc - Đ.Yên - B.Tuấn - T.Hồng - Ảnh: P.Hải - P.Doanh