XEM CLIP:

Hòn Trống Mái có từ bao giờ người dân địa phương cũng không hay biết. Họ chỉ biết rằng, khi sinh ra và lớn lên đã thấy nó cùng truyền thuyết về mối tình son sắc của đôi trai gái.

Với những giá trị lịch sử và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hòn Trống Mái (một danh thắng nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Trường Lệ, TP Sầm Sơn) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích, danh thắng cấp quốc gia vào năm 1962.

Hình ảnh hòn Trống Mái tượng trưng cho mối tình chung thủy, son sắc.

Hòn Trống Mái là sự xếp đặt từ ba khối đá thiên nhiên (mỗi hòn nặng hàng chục tấn) đã có từ bao đời nay. Một hòn có đầu nhọn nằm chồng lên trên trông giống hình dáng con gà trống, hòn đối diện nhỏ hơn, có dáng tựa con gà mái nên được gọi là hòn Trống - Mái. 

Các khối đá này gắn với truyền thuyết về mối tình chung thủy, son sắc, được truyền từ đời này sang đời khác. 

Tương truyền rằng, Sầm Sơn xưa là một vùng đất ven biển bình yên, thơ mộng. Cuộc sống chồng chài, vợ lưới cứ êm ả trôi đi. Bỗng một ngày, nước biển dâng cao, nhấn chìm tất cả. 

Khối đá hình lòng chảo không có sự gắn kết nhưng vẫn đứng vững.  

Lúc này, có đôi vợ chồng nhà nghèo đã may mắn thoát chết nhờ bám vào cây gạo cao trên núi. Ngày qua ngày, tuy nước biển đã rút nhưng xung quanh chỉ là những vũng đầm lầy chua mặn. Đôi vợ chồng chẳng có gì để ăn. 

Một hôm, người chồng thấy con chim diều hâu lượn vòng trên núi, anh nghĩ rằng trên đó có đồ ăn được. Người chồng bèn gắng gượng leo lên đỉnh núi với hi vọng tìm thấy thức ăn để vợ chồng cầm cự qua cơn đói. 

Khối đá nặng hàng chục tấn nằm cheo leo qua bao nhiêu thời gian nhưng không hề bị dịch chuyển.

Ngóng đợi mãi không thấy chồng quay về, linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, người vợ đã lần theo dấu chân đi tìm chồng. Đến chân núi, ngửa cổ lên, chị thấy một đàn quạ đen đang chao lượn, chị đau đớn nghĩ chồng đã chết.

Trong tâm cam chỉ mong được gặp chồng mình lần cuối, người vợ đã dốc hết sức bấu víu vào đá, vào cỏ để bò lên đỉnh núi. Khi bò lên tới nơi, người vợ thấy chồng mình đã chết tự lúc nào. Thương xót vô hạn, người vợ gục xuống bên xác chồng trút hơi thở cuối cùng.

Sự gắn bó thủy chung và kết cục đau thương của đôi vợ chồng nghèo đã cảm động tới thần tiên. Họ hóa phép cho hai vợ chồng thành đôi chim để được ngày ngày quấn quýt bên nhau. 

Du khách thích thú tham quan hòn Trống Mái và chụp ảnh lưu niệm.

Đến kỳ hạn, vợ chồng đôi chim ấy phải theo bầy tiên bay về trời. Do gắn bó tha thiết với xóm làng, từ trên cao nhìn ngắm làng mạc, núi non, biển cả, đôi chim không nỡ rời xa nên đã xin thần tiên cho họ được ở lại. Thần tiên chiều theo mong ước của đôi vợ chồng. Nhưng để được ở lại họ phải đánh đổi, hóa đá thành hòn Trống - Mái, trường tồn với thời gian.

Ông Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết, câu chuyện về hòn Trống Mái được thiên nhiên sắp đặt một cách rất tự nhiên, gắn với câu chuyện về mối tình son sắc. 

“Điều đặc biệt, các khối đá nặng hàng chục tấn có hình lòng chảo chỉ đặt lên nhau, không có sự gắn kết. Qua bao nhiêu thời gian các khối đá này không bị xê dịch, nó như một điều tâm linh, huyền bí. Vào mùa du lịch, năm nào thành phố cũng tổ chức Lễ hội tình yêu hòn Trồng Mái để du khách được trải nghiệm”, ông Tú chia sẻ.