Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”, đã được Chính phủ phê duyệt trong năm vừa qua.

Đại học trực tuyến sẽ là xu hướng tương lai

Đề án hướng tới mục tiêu tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Một buổi học trực tuyến của sinh viên

Mục tiêu của Đề án đến năm 2025 là đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học.

Cụ thể, đến năm 2025, 50% học sinh, mỗi sinh viên và mỗi nhà giáo có đủ điều kiện về phương tiện, đường truyền, phần mềm sẽ tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến.

Đại học Mở triển khai đào tạo trực tuyến

Cùng với đó, hình thành một số nền tảng dạy và học trực tuyến là sản phẩm trong nước, được trên 50% học sinh, sinh viên sử dụng; hình thành kho học liệu trực tuyến quốc gia đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, có hơn 50% cơ sở giáo dục đại học cung cấp các chương trình đào tạo (cấp bằng) hình thức từ xa, trực tuyến.

Cũng đến năm 2025, tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở bậc tiểu học, 10% ở bậc trung học; tỷ trọng lớp học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học đạt trung bình 20%. Trong số người học lấy văn bằng đại học thứ hai, có ít nhất 50% theo học hình thức trực tuyến (với thời lượng trực tuyến chiếm hơn 50%).

{keywords}
Theo Đề án, đến năm 2030, giáo dục đại học số trở thành 1 trụ cột của hệ thống giáo dục đại học, chiếm tỉ trọng 30% quy mô

Đề án cũng xác định sẽ đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ của nhà nước và các cơ sở giáo dục.

Theo đó, hàng loạt chỉ tiêu cần đạt được trong giai đoạn đến năm 2025, như: 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số, trong đó 100% người học, 100% nhà giáo được quản lý bằng hồ sơ số với định danh thống nhất toàn quốc; 80% cơ sở vật chất, thiết bị và các nguồn lực khác phục vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu được quản lý bằng hồ sơ số.

Học trực tuyến ở ĐH Hùng Vương

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin quản lý toàn ngành giáo dục được thiết lập và vận hành hiệu quả. Các cơ quan quản lý giáo dục từ trung ương tới các địa phương được vận hành chủ yếu dựa trên dữ liệu và công nghệ số, trong đó 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, cấp sở và 80% hồ sơ công việc tại cấp phòng được giao dịch, giải quyết trên môi trường số.

Đáng chú ý, về dịch vụ hỗ trợ người học, người dân, theo Đề án mới được phê duyệt, đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 4 (hoặc mức 3 nếu không phát sinh thanh toán); tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%; Tỷ lệ người học, phụ huynh hài lòng về chất lượng dịch vụ trực tuyến của các cơ sở giáo dục đạt trung bình 80%...

Đại học Đồng Tháp triển khai đào tạo trực tuyến

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung triển khai 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học; Triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý giáo dục và đào tạo, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục;

Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo đến toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học trong ngành giáo dục và xã hội; Huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện cơ chế, chính sách.