Bé gái (3 tuổi, trú tại Thanh Sơn, Phú Thọ) được gia đình đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) trong tình trạng ho, người xanh xao, sụt cân không rõ lý do.
Cách đây 2 tuần, trẻ được gia đình cho đi cắm trại gần thác nước. Sau đó, bé xuất hiện tình trạng ho và thường xuyên chảy máu mũi, gầy, sụt cân.
Tại đây, bác sĩ chỉ định nội soi mũi họng để kiểm tra và gắp được con vắt đang sống trong mũi. Hiện tại, bé không còn ho, không chảy máu mũi.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, cho biết vắt chui vào mũi sẽ nằm ở các ngách khe gây phù nề, tắc nghẽn dẫn đến viêm mũi xoang hoặc có thể bám hút ở các mạch máu lớn hoặc di chuyển xuống thanh quản. Nếu để lâu sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu mũi dai dẳng và gây thiếu máu mạn tính.
Vắt hút máu không đau nhưng gây chảy máu kéo dài, có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi con vật chui vào mũi, khí quản, ống tiêu hóa...
Bác sĩ Thanh khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước ở các khe suối để uống, sinh hoạt. Mọi người ở vùng núi rừng ẩm ướt nơi có nhiều vắt cần cẩn trọng trong sinh hoạt hằng ngày. Những người tắm suối, thác, ao, hồ… khi có những triệu chứng như ngạt tắc mũi, vướng họng kèm theo chảy máu mũi, ho khạc ra máu, khàn tiếng cần đi khám để nội soi mũi, họng.