Bệnh nhân V.H.K, 58 tuổi, được đưa vào Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Nhận thấy ông K. có dấu hiệu viêm màng não, bác sĩ chỉ định chọc dịch não tủy cho người bệnh làm xét nghiệm cấy máu và cấy dịch não tủy. Kết quả, nam bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn (Steptococcus Suis).
Người bệnh được xác định bị viêm màng não do liên cầu lợn và điều trị theo kháng sinh đồ. Sau 21 ngày điều trị, người bệnh đã khỏi, sức khỏe ổn định và ra viện.
Liên cầu lợn có tên khoa học là Steptococcus Suis, là tác nhân gây bệnh ở lợn và một số gia súc khác (trâu, bò, dê, ngựa), đôi khi gây bệnh trên người.
Con người có nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, lợn chết hoặc ăn tiết canh, lòng lợn, thịt lợn nấu chưa chín. Vi khuẩn gây 2 bệnh cảnh chính là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong.
Liên cầu khuẩn có thể bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường như xà phòng, cloramin, nước javen, nước vôi, nhiệt độ trên 60 độ C, ánh sáng mặt trời…
Với trường hợp ông K., các bác sĩ nghĩ đến tình huống người bệnh ăn thịt lợn, lòng lợn… chứa liên cầu khuẩn nhưng chế biến chưa đảm bảo yêu cầu (chưa được nấu chín hoặc dùng chung dụng cụ thái đồ sống và chín).
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân nên chọn thực phẩm tươi sống, không nhiễm bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không ăn tiết canh, các loại thịt tái, sống. Khi chế biến cần đảm bảo nấu chín, sử dụng riêng các dụng cụ chế biến thực phẩm sống - chín như dao, thớt, kéo, bát, đĩa… Khi bảo quản thực phẩm cũng cần chú ý để riêng thực phẩm sống và chín để tránh nhiễm khuẩn chéo.
Sau khi giết mổ lợn hoặc chế biến thịt lợn sống, người dân phải vệ sinh tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn. Không tiếp xúc với lợn ốm, lợn bệnh để tránh những ảnh hưởng tới sức khỏe.