Tai nạn xảy ra với bé C.T.P, 3 tuổi, ở huyện Bình Liêu, Quảng Ninh chiều 29 Tết Giáp Thìn khi gia đình nấu bánh chưng bằng bếp củi. Bé được sơ cứu tại trung tâm y tế huyện sau đó chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cấp cứu trong tình trạng đau đớn, kích thích, bỏng vị trí cổ, ngực, lưng, cánh tay trái, cẳng tay phải…
Bệnh nhi được chẩn đoán bỏng nhiệt độ II, III, vết bỏng sâu rộng, trợt da, phỏng nước, dịch thấm băng nhiều các vị trí từ ngực, lưng, cánh tay trái, cẳng tay phải, vùng cổ, vùng đùi… Sau đó, trẻ được chuyển khoa Ngoại và chuyên khoa điều trị.
Thầy thuốc tạo đường truyền bù dịch, giảm đau, chống sốc, cắt lọc các tổ chức da hoại tử do trợt, làm sạch diện bỏng và băng đắp gạc vết bỏng. Đến chiều 16/2, sau hơn 1 tuần điều trị, bệnh nhi tạm ổn, tiếp tục được điều trị tích cực.
Bác sĩ Trịnh Trương Tuyên, Trưởng Khoa Ngoại và chuyên khoa, cho hay ngoài những tổn thương nguy hiểm với thể chất khi bị bỏng do ngã vào lửa, nước sôi, uống nhầm dầu hoả, hay nuốt nhầm đồ chơi, đồng xu..., trẻ cũng có thể gặp tổn thương về tinh thần, ám ảnh các bé lâu dài.
Bác sĩ khuyến cáo mỗi phụ huynh cần đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ, luôn chú ý giám sát trẻ; để các vật dụng dễ gây bỏng (phích nước sôi, cốc nước nóng, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa...) ngoài tầm tay trẻ.
Cách chăm sóc vết bỏng tại chỗ:
- Bình tĩnh nhanh chóng đưa trẻ đến ngay vòi nước trong nhà xối rửa nhiều nước (không xối nước đá hoặc nước lạnh) mục đích sẽ làm cho da bớt nóng, bớt bị mất nước và sẽ bớt đau, sẽ giảm diện tích da bị thương và giảm độ nặng của tổn thương bỏng. Tuyệt đối không bôi, đắp nước mắm, kem đánh răng, lá cây, vỏ cây hay các vật tương tự sẽ có nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương bỏng sâu hơn.
- Tuỳ tình trạng nặng hay nhẹ, diện tích bỏng lớn hay nhỏ, nhà ở gần bệnh viện hay ở xa bệnh viện để đưa các bé đến khám cho bác sĩ đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử trí thích hợp.