Đầu năm 2023, Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi bệnh viện, trung tâm y tế công đều thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Năm 2030, triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các cơ sở khám chữa bệnh khu vực đô thị đạt tối thiểu 50% trên tổng số thanh toán viện phí.
Đầu tháng 6, chị S. lặn lội từ Quảng Ninh lên một bệnh viện chuyên ngành Ung bướu ở Hà Nội để khám, trong túi chỉ mang 1 triệu đồng tiền mặt. Sau khi xếp hàng “rồng rắn” đăng ký, chị càng ức chế hơn khi chờ 30 phút đến lượt đóng 4 triệu đồng tiền tạm ứng thì được thông báo khu vực thanh toán đó chỉ nhận tiền mặt. Chị đành chạy đi mua đồ, chuyển khoản cho cửa hàng để lấy tiền mặt đóng viện phí. Khi quay lại, chị mất thêm nửa giờ xếp hàng chờ đóng tiền.
"Tôi ôm cục tiền mặt vào viện, chỉ sợ mất cắp"
Theo chị S., sự phiền phức trong thanh toán khiến bệnh viện này đánh mất hình ảnh hiện đại, chuyên nghiệp, bệnh nhân mất cảm tình. "Người quen của tôi đi truyền hóa chất, thường vào buổi chiều, đáng ra trong lúc chờ bệnh nhân truyền thì bệnh viện nên làm thủ tục để người nhà được thanh toán luôn trong ngày, nhưng lại phải vạ vật tới sáng hôm sau vào viện xếp hàng thanh toán. Vậy là mất 2 ngày. Việc thanh toán cũng phiền phức, chuyển khoản lúc được lúc không”, chị S. chia sẻ.
"Đến đi chợ, mua vài miếng đậu phụ 10.000 đồng còn được quét mã QR thanh toán, vậy mà vào viện vẫn phải ôm cục tiền mấy chục triệu chờ thanh toán, chỉ sợ mất cắp", chị phàn nàn.
Nhiều nguyên nhân khiến người dân vẫn còn thói quen mang tiền mặt đi bệnh viện, như không dùng hoặc không biết cách dùng điện thoại thông minh hay app ngân hàng, thẻ hoặc các ứng dụng thanh toán, nhưng một trong số đó là tâm lý “đề phòng” bệnh viện hoặc khoa, phòng điều trị không cho phép thanh toán trực tuyến, như chị S. trên đây.
Trong khi đó, rủi ro khi cầm nhiều tiền mặt khi đi khám chữa bệnh đã được nhiều bệnh viện cảnh báo. Chị T.T.T, 27 tuổi, ở Quảng Ninh, có lẽ không bao giờ quên cảm giác đánh mất gần 19 triệu đồng ở bệnh viện hồi tháng 7.
Chị có mẹ điều trị tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Sáng 22/7, chị cầm theo gần 19 triệu đồng vào viện để gửi cho mẹ chi tiêu, đóng viện phí. Chưa kịp gửi, chị T. lại sơ suất để quên ví tiền tại ghế nghỉ gần thang máy. Khi nhớ ra, chị quay lại tìm thì tiền đã không còn.
Chiều cùng ngày, chị tâm sự cùng bà X. cũng đang đi chăm người nhà nằm viện, hai người đi gặp bảo vệ và nhân viên y tế Khoa Tâm thần kinh - Cơ xương khớp, xác minh sự việc. Lúc này, bà X. chợt nhớ chuyện sáng cùng ngày, bà có dẫn các cháu lên thăm người nhà, sau đó về nhà thấy các bé cầm nhiều tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng.
Người phụ nữ này lập tức trở về nhà hỏi chuyện các cháu, mới biết tiền từ chiếc ví ở khu vực hành lang chị T. để quên. Sau đó, số tiền gần 19 triệu đồng đã được trả về cho chủ nhân.
Không may mắn tìm lại được tiền như chị T., nhiều người đi bệnh viện không may bị kẻ gian móc túi, hoặc bỏ quên, đánh rơi ví, túi xách… chứa nhiều tiền mặt. Đó là số tiền nhiều gia đình dành để đóng viện phí, chi trả sinh hoạt những ngày có người nhà nằm viện. Rơi vào tình cảnh này, không ít người tự vấn: "Giá như không phải mang theo nhiều tiền mặt đến thế".
Nâng tầm chuyên nghiệp
Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở khám chữa bệnh tại nước ta được đẩy mạnh triển khai từ 5 năm trước. Lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá điều này mang lại nhiều lợi ích cho cả người bệnh lẫn bệnh viện, nhằm giảm phiền hà, tăng sự hài lòng của người bệnh, góp phần xây dựng hình ảnh bệnh viện hiện đại, chuyên nghiệp.
Nhiều bệnh viện triển khai cùng lúc nhiều giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt như sử dụng thẻ ATM, VISA, MASTER; thanh toán qua ví điện tử; sử dụng mã QR; thanh toán qua thẻ khám bệnh thông minh của bệnh viện.
Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số. Đến tháng 8/2023, 100% cơ sở khám chữa bệnh đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 62% viện phí tại các bệnh viện, 70% số tiền viện phí tại các trung tâm y tế cấp huyện đã được thanh toán trực tuyến.
Mỗi ngày, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận 1.500 lượt khám và 150-200 lượt xuất/nhập viện. Đến nay, trên 70% lượt thanh toán mỗi ngày ở đây không dùng tiền mặt. Một năm trước, đơn vị này trở thành cơ sở y tế đầu tiên tại miền Bắc triển khai quét mã QR động trong thanh toán viện phí. Hình thức này cũng được nhiều cơ sở y tế khác tại Quảng Ninh, Phú Thọ, Đà Nẵng... triển khai.
Người bệnh có thể thanh toán trực tuyến ngay tại phòng khám mà không phải trở lại điểm thu phí để thực hiện giao dịch. Với mỗi phiếu chỉ định của bác sĩ cho người bệnh, hệ thống sẽ tự động tạo ra một mã giao dịch QR bằng đúng chi phí dịch vụ y tế phát sinh.
Người bệnh chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đăng nhập ứng dụng mobie banking của ngân hàng, quét mã QR code động trên phiếu chỉ định để hoàn tất thanh toán, sau đó đi thực hiện các chỉ định cận lâm sàng. Đặc biệt, trường hợp bệnh nhân đi khám bệnh không mang theo đủ tiền, nhân viên y tế có thể hỗ trợ chụp ảnh mã QR động này để người thân ở nhà có thể thanh toán.
Tất cả kết quả xét nghiệm được trả theo hình thức trực tuyến, người bệnh chỉ cần quay lại phòng khám để được bác sĩ tư vấn, kết thúc quy trình khám bệnh mà không phải qua quầy thu ngân để chờ nộp tiền cho các dịch vụ y tế như trước.
Theo tính toán và thực tế triển khai tại viện, khi thời gian thanh toán viện phí chỉ mất chưa đến 1 phút, thời gian khám chữa bệnh rút ngắn từ 15-20 phút, không phải xếp hàng chờ đợi, hạn chế tình trạng ùn tắc tại khu vực thanh toán viện phí, giảm thiểu rủi ro phát sinh khi giao dịch tiền mặt, giảm áp lực cho nhân viên thu phí, nhất là trong giờ cao điểm.
Ngoài khu vực phòng khám, bệnh viện mở rộng phạm vi cho người bệnh nội trú cũng được thanh toán viện phí qua mã QR động. Bệnh nhân có thể đóng tiền tạm ứng, thanh toán ngay tại khoa mà không cần xuống khu thanh toán viện phí. Điều này rất có ý nghĩa với người bệnh khó khăn khi di chuyển, không có người hỗ trợ, người bệnh nặng, nằm viện dài ngày, chi phí cao.
Cùng với những lợi ích mang lại cho người bệnh, thanh toán viện phí qua QR code động giúp bệnh viện kiểm soát chặt chẽ nguồn thu viện phí, đảm bảo quá trình thanh toán chính xác, hạn chế tình trạng sai sót do việc kiểm đếm thủ công, tăng tính công khai minh bạch trong quá trình khám, chữa bệnh.
Đến nay, hơn một nửa bệnh nhân đến Bệnh viện Bãi Cháy đã sử dụng thanh toán viện phí qua QR code động. Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, sau 4 tháng triển khai, 25% người bệnh thanh toán không dùng tiền mặt lựa chọn phương thức này.