Bố mẹ đặt tên con… ngẫu nhiên

Tên gọi là món quà quý giá đầu đời bố mẹ trao tặng cho con cái. Có bậc phụ huynh đặt tên con một cách cầu kỳ, gửi gắm vào đó ý nghĩa đặc biệt. Có bậc phụ huynh lại đặt tên con theo cách ngẫu nhiên, nghĩ sao đặt vậy.

Lưu Kim Jin Đông (SN 2001, quê Phú Yên) vì sự “ngẫu nhiên” của bố mẹ mà có cái tên độc lạ.

Jin Đông là người Việt 100%, nhưng sở hữu cái tên phát âm giống người Hàn Quốc. Vì cái tên này, anh chàng gặp biết bao tình huống “dở khóc dở cười”.

tenla.jpg
Tên gọi là món quà quý giá đầu đời bố mẹ trao tặng cho con cái

Đông kể, anh thuộc dòng họ “Lưu Kim”. Mọi thành viên bên nội đều có "Lưu Kim" trong tên. Nhưng, Đông là người duy nhất của gia đình có chữ “Jin” trong tên đệm.

“Đó chỉ là một sự vô tình. Mình nhiều lần hỏi bố, tại sao lại đặt tên con trai là Lưu Kim Jin Đông, một cái tên nghe Hàn Quốc nhưng cũng rất Việt Nam. Bố mình chỉ bảo: 'Vô tình đặt thôi chứ không hàm ý gì sâu xa'. Khu vực mình sinh sống có nhiều người dân tộc thiểu số, đó cũng có thể là nguồn cơn khiến bố đặt tên lạ cho mình”.

Muốn "độn thổ" khi làm căn cước

Khi được hỏi về những tình huống oái oăm xung quanh cái tên, chàng trai Phú Yên ngậm ngùi: “Chuyện rất dài…”.

Đông kể, ngày đi nhận lớp cấp ba, anh chàng háo hức được gặp bạn mới, thầy cô mới. Mọi thứ đều ổn cho đến khi giáo viên chủ nhiệm đọc tên “Lưu Kim Jin Đông”.

Vì quá bất ngờ, thầy giáo phải đánh vần 2 lần mới đọc đúng tên. Sau đó, 40 thành viên khác trong lớp đổ dồn sự chú ý vào Đông, khiến anh run lẩy bẩy. 

Kể từ đó, mỗi lần các thầy cô kiểm tra bài cũ, Đông đều bị réo tên. Đôi khi, anh được gọi lên bảng chỉ để… phỏng vấn về cái tên độc lạ.

tenla1.jpg
Giờ đây, tên gọi đã trở thành một phần cuộc sống của Jin Đông

Ngày đi làm thẻ căn cước công dân gắn chíp cũng là kỷ niệm “có một không hai” của Đông.

“Như mọi công dân khác, mình háo hức đến làm. Lúc ấy, mọi người có vẻ mệt mỏi vì phải chờ đợi lâu, nhưng khi tên mình được các cán bộ gọi loa, ai nấy đều bừng tỉnh. Mọi người đảo mắt nhìn xung quanh, rồi tập trung cả vào mình khi mình đứng dậy. Đã vậy, anh cán bộ còn cầm loa đọc mấy lần, khiến mình muốn “độn thổ” vì xấu hổ”, Đông kể lại.

Một vài người mới quen thường nhầm Đông là người Hàn Quốc. Năm học lớp 10, trong một bài kiểm tra môn Ngữ văn, do câu cú thiếu mạch lạc, anh bị giáo viên phê trong giấy thi: “Người Hàn Quốc???”. Đó cũng là bước ngoặt, khiến Đông ý thức bản thân phải học tốt hơn môn Văn, ít nhất cách diễn đạt phải đủ rõ ràng. 

“Có lần mình đặt đồ trên mạng, gặp anh shipper vui tính. Anh nhìn tên trên đơn, nói đùa: 'Em là người Hàn Quốc hả?'. Đến lúc mình chuyển khoản, anh ấy mới mắt chữ A, miệng chữ O vì bất ngờ”, Đông chia sẻ.

Jin Đông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Nghệ An). Hiện anh làm kỹ sư cơ khí cho một công ty tư nhân.

Khi mới vào công ty, mọi người chỉ biết anh tên Đông. Nhưng khi được nhận vào làm chính thức, cần xuất trình thẻ căn cước công dân để làm thủ tục đóng bảo hiểm xã hội, cả công ty mới ngỡ ngàng trước tên thật của anh chàng.

Jin Đông thừa nhận, thuở nhỏ, anh thấy rất phiền bởi cái tên độc lạ. Thế nhưng, giờ đây, tên gọi đã trở thành một phần cuộc sống của anh, giúp anh dễ dàng khẳng định “thương hiệu cá nhân”.

“Thay vì chán ghét hay tìm cách thay đổi, mình lại dần hứng thú với cái tên đặc biệt này. Chúng ta sinh ra đã là phiên bản duy nhất của cuộc đời. Khi mang tên lạ, mình càng có cơ hội tạo nên một thứ duy nhất chỉ riêng mình có”, Đông chia sẻ.

Thanh Minh

Ảnh: Nhân vật cung cấp