Theo đó, học sinh K. đi muộn trong tiết 2, khiến lớp không kiểm dò được hồ sơ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Cô D. là giáo viên chủ nhiệm của lớp đã yêu cầu các học sinh trong tổ lấy thước đánh vào mông em K. 

Khi biết được sự việc, phụ huynh của em K. đã lên gặp ban giám hiệu nhà trường để phản ánh.

Phụ huynh rất bức xúc trước việc làm của cô D., đặc biệt khi nhận được thông tin rằng cô D. yêu cầu bạn nào đánh K. nhẹ thì phải đánh lại. Phụ huynh cũng bày tỏ sự bất bình vì đây là thời điểm cuối năm, học sinh cần được ổn định tinh thần để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

441470613_774506731416568_2861931565027703913_n.jpg
Trường THPT Nguyễn Thị Diệu. Ảnh: VD

Trao đổi với VietNamNet, cô Lê Thị Minh Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu - xác nhận sự việc xảy ra hôm 13/5, ngày giáo viên và học sinh cùng nhau kiểm dò thông tin thi tốt nghiệp THPT.

Cô Hà cho biết việc kiểm dò này yêu cầu học sinh và giáo viên chủ nhiệm cùng thực hiện. Dù cô giáo đã nhắc nhở từ trước nhưng hôm đó, em K. vẫn đến lớp trễ.

Ngay tại lớp học, cô D. đã phạt K. bằng cách gọi 6 học sinh khác sử dụng cây bằng nhựa đánh vào mông K. Đến tối ngày 14/5, người thân của em K. đã gọi điện thông báo vụ việc này cho thành viên Ban giám hiệu nhà trường.

Sáng ngày 15/5, phụ huynh và người thân của em K. đến trường, làm việc với lãnh đạo nhà trường. Phụ huynh yêu cầu nhà trường làm việc với cô giáo chủ nhiệm, đảm bảo tâm lý cho tất cả học sinh cùng lớp trong giai đoạn chuẩn bị thi tốt nghiệp.

Cô Hà thông tin thêm do gia đình cô D. có việc ngoài ý muốn nên sáng nay 16/5, nhà trường mới làm việc với cô D. Tại buổi làm việc, cô D. nhìn nhận hành vi của mình là sai. Nhà trường đã yêu cầu cô D. làm bản tường trình. Trên cơ sở đó sẽ xem xét, áp dụng các hình thức xử lý đối với cô D. theo đúng với các quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Thị Diệu cũng cho biết nhà trường dùng nhiều phương pháp để giáo dục học sinh như nhắc nhở, bảo ban. Nếu không hiệu quả, trường sẽ chuyển đổi phương pháp như thông tin tới gia đình, bạn bè để nhờ tác động tới các em.

Trong trường hợp đã trao đổi nhưng học sinh vẫn chưa thay đổi, nhà trường sẽ làm việc trực tiếp với phụ huynh và học sinh, đồng thời kiên nhẫn giáo dục để học sinh nhận ra rằng nhà trường giáo dục các em bằng tấm lòng, sự chân tình. Các biện pháp giáo dục phải tuân thủ đúng quy định trong môi trường giáo dục. 

Giáo viên của trường rất tâm huyết nhưng có thể nóng vội trong cách giáo để xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

“Thầy cô sai thì phải nhìn nhận và khắc phục, tuyệt đối không để tái diễn. Về phía ban giám hiệu, chúng tôi cũng có trách nhiệm trong việc này. Khi gặp gỡ phụ huynh chúng tôi sẽ thẳng thắn nhìn nhận” - cô Hà nói và bày tỏ mong muốn học sinh sớm ổn định tinh thần để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, cũng như bồi đắp tình cảm giáo viên và học sinh trong lớp.