Châu bản là những văn bản của vương triều đã được nhà vua “ngự phê” bằng mực son đỏ. Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính được hình thành trong quá trình quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802 - 1945), triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, bao gồm văn bản của các cơ quan trong bộ máy chính quyền trung ương và địa phương trình lên nhà vua phê duyệt, văn bản các vua ban hành cùng một số văn kiện ngoại giao và thơ văn ngự chế.
Toàn bộ khối Châu bản triều Nguyễn có 773 tập, tương đương khoảng 85.000 văn bản của 11 triều vua nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại). Các loại hình văn bản của Châu bản triều Nguyễn rất phong phú, bao gồm: chiếu, dụ, chỉ, sớ, tấu, khải, phúc, phiến trình, phiếu nghĩ... được quy định chặt chẽ về chức năng và thẩm quyền ban hành. Châu bản triều Nguyễn chủ yếu được viết tay trên giấy dó, phản ánh các vấn đề của đời sống xã hội, các biến động về lịch sử, các chính sách đối nội, đối ngoại của Việt Nam thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20.
Các tài liệu này được hình thành trong hoạt động của lý nhà nước dưới triều Nguyễn, bao gồm: văn bản của các cơ quan trong bộ máy chính quyền trung ương và địa phương trình lên nhà vua phê duyệt, văn bản của các vua triều Nguyễn ban hành và một số văn kiện ngoại giao.
Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến Việt Nam, lưu giữ bút tích của các vua triều Nguyễn phê duyệt các vấn đề của đất nước.
Châu bản triều Nguyễn gồm nhiều loại như là chiếu, khải, chỉ, tấu, quốc thư... Đó là nguồn sử liệu nguyên gốc vô cùng quý giá, phản ánh tư tưởng chính trị, chủ trương, chính sách của Nhà nước trong các hoạt động đối nội và đối ngoại.
Châu bản triều Nguyễn chứa đựng nhiều thông tin phong phú, phản ánh mọi lĩnh vực trong xã hội dưới triều Nguyễn như chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, giáo dục...
Dưới triều Nguyễn, Châu bản là nguồn sử liệu quan trọng để biên soạn các bộ sử, các sách điển lệ chính thống như: "Đại Nam thực lục chính biên," "Đại Nam nhất thống chí," "Quốc triều chính biên toát yếu"...
Đó là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu về triều Nguyễn và giai đoạn cuối cùng của chế độ phong kiến trên toàn thế giới. Đây cũng là nguồn tài liệu nguyên gốc quý hiếm, duy nhất, độc bản còn giữ lại đến ngày nay, không chỉ là tài sản vô giá đối với Việt Nam mà nó còn có giá trị nổi bật toàn cầu.
Với những giá trị độc đáo, nổi bật, ngày 14/5/2014, tại phiên họp thứ 2 Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) diễn ra tại Quảng Châu (Trung Quốc), Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2017, UNESCO lại tiếp tục công nhận Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam là di sản tư liệu thế giới.
Hiện, kho tài liệu đồ sộ này đang được bảo quản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I (số 18 Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).