Trời Boston đã vào tiết xuân, hoa rực rỡ trên các con phố, nhưng vẫn còn đấy cái giá lạnh của vùng khí hậu phương Bắc, tôi xuống sân bay Edward Logan không quên lấy vội chiếc áo khoác mặc thêm, nhưng chừng đó có lẽ vẫn chưa đủ để thấy ấm lòng hơn, cái cảm giác vừa gần gũi vừa xa lạ cứ quẩn quanh đâu đây...
Nước Mỹ vẫn vậy, mạnh mẽ, hoành tráng nhưng đơn giản. Kể từ cuộc chiến Mỹ - Tây Ban Nha năm 1898 đến nay, từ cường quốc mới nổi rồi thành siêu cường dẫn dắt thế giới, ngày hôm nay không có ngóc ngách nào trên thế giới này mà không có dấu ấn của họ, kể cả thành công cũng như thất bại, song ảnh hưởng ấy đến mọi mặt trong mối quan hệ quốc tế là không thể phủ nhận.
Không có nét bề thế như Washington DC hay hào nhoáng như Chicago hoặc sôi động như Las Vegas, Boston mang đến một vẻ đẹp khác của nước Mỹ - học thuật và trầm lặng với bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ. Ở đây, nếu đi sâu, nghĩ kỹ, ta dễ dàng thấy được những di sản quý giá của các cuộc chiến tranh Cách mạng và thời kỳ thuộc địa nước Mỹ: Viện bảo tàng lưu trữ tác phẩm nghệ thuật, Thư viện trung tâm thành phố - biểu tượng của tinh thần học tập, cùng Đại học Harvard, Massachusetts Institute of Technology (MIT), không những là các trường đại học hàng đầu thế giới mà còn là biểu tượng của trí tuệ nước Mỹ.
Cũng ở ngay tại TP.Boston này, vào ngày 26/04/2023, một hội nghị thượng đỉnh về Quy định Trợ lý AI và ChatGPT do Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF) tổ chức đã diễn ra tại phòng hội nghị Faculty Club của Viện Đại học Harvard. Sự kiện có sự góp mặt của các diễn giả nổi tiếng đến từ nhiều lĩnh vực ở khắp nơi trên thế giới, tiêu biểu là Cựu Thống đốc bang Massachusetts Michael Dukakis, Bộ trưởng An ninh Kinh tế Nhật Bản - Sanae Takaichi, Cựu Thủ tướng Ý - Enrico Letta, Cựu Thủ tướng Bosnia và Herzegovina Zlatko Lagumdzija, Giáo sư Harvard - John Quelch, Nhà công nghệ trí tuệ nhân tạo ở Silicon Valley - Tom Kehler, Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn (nguyên Tổng Biên tập Báo VietNamNet) hiện là Giám đốc điều hành của BGF...
Nền kinh tế số không chỉ là sự lựa chọn tất yếu của nhân loại mà bây giờ đã hiện diện ở mọi mặt của cuộc sống. Việc cần phải có những bộ quy chế về việc khai thác nguồn tài nguyên này đang là đòi hỏi bức thiết. Xuất phát từ thực tiễn đó, BGF luôn là tổ chức tiên phong trong việc đưa ra các chương trình hành động về những quy tắc ứng xử trong lĩnh vực kinh tế số nói riêng, cũng như với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nói chung.
Việt Nam là nước đang phát triển, với tinh thần cầu thị, đặc biệt hơn nữa khi lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã đưa Việt Nam vào vị trí xuất phát cùng với các cường quốc khác trên thế giới. Xác định đây là một cơ hội tuyệt vời để phát triển quốc gia, nên việc có những nhân vật người Việt hiện diện trong hội nghị lần này là điều rất đặc biệt, trong đó, ngoài ông Nguyễn Anh Tuấn là người điều hành hội nghị còn có Phạm Nam nguyên là Thứ trưởng Bộ Thương mại của tiểu bang Massachusetts; Giáo sư Trần Ngọc Vương nguyên là Chủ nhiệm Bộ môn Văn học Cổ - Cận của Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân Văn - Đại học Quốc gia Hà Nội...
Ngồi tại phòng chờ của Harvard Faculty Club, gặp lại Bùi Thúy, một ca sĩ cũng đến từ Việt Nam, tôi hỏi: "Ngày xưa nhạc sĩ Trần Hoàn có bài Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, đã đưa hồn dân tộc ra bên ngoài thế giới, em xem có bài hát nào truyền tải được cái đẹp, nét đáng yêu của văn hóa và con người Việt Nam cho các học giả, nhà tư tưởng tại hội nghị lần này không?", Bùi Thúy nghe chỉ cười, nhẹ nhàng đáp "dạ" mà không nói gì thêm.
Sau khi có chút việc cần trao đổi với Giáo sư Trần Ngọc Vương bên lề của hội nghị, trở lại với chương trình nghị sự, sau màn phát biểu của các diễn giả, ca sĩ Bùi Thúy thể một bài hát chúc mừng sinh nhật lần thứ 90 của Thống đốc Michael Dukakis, cổ vũ Cộng đồng Khai sáng Toàn cầu và các diễn giả tại hội nghị.
Nhẹ nhàng trong tà áo dài, Bùi Thúy với chất giọng êm dịu nói: "Bùi Thúy đến từ Việt Nam, một đất nước có hơn 3000km bờ biển cùng với những quần đảo thơ mộng... con người Việt Nam giàu tình cảm, lòng nhân ái và sự bao dung, điều đã được thể hiện trong bài hát Xa khơi... để chúng ta cùng nhau xây dựng một thế giới ngập tràn tình yêu thương giữa các dân tộc để biển cả là nơi của hòa bình, của phồn vinh và hạnh phúc".
Rồi Bùi Thúy cất tiếng hát đắm say nhưng da diết của bài hát này:
"Nắng tỏa chiều nay
Chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi
Gió lộng buồm mây ươm chân trời
Biển lặng sóng thuyền em dong khơi
Khoan giọng hò thương anh cách vời
Kìa biển rộng con nục, con măng
Lướt sóng liền đôi bờ tung tăng
Con chuồn còn bay nơi nơi
Con giang chiều gọi bạn đường khơi"
Tôi say mê thưởng thức và quan sát các vị quan khách, diễn giả thấy họ chăm chú lắng nghe. Tôi tự hỏi, không rõ họ có hiểu gì không nhỉ? Nhưng chẳng còn quan trọng nữa! Tiếng hát của quê hương đang vang lên tại một trong những nơi danh giá và ý nghĩa nhất của nước Mỹ, đó là TP.Boston, một thành phố lịch sử.
"Nắng tỏa chiều nay
Thuyền về mái động chiều nay
Nhìn phương Nam con nước vơi đầy, thương nhớ..."
Vẫn những câu hát đầy tình yêu thương được cất lên da diết... như muốn gửi về ngày mai. Một ngày mai tươi sáng vẫn đang chờ đợi!
Cảm ơn Bùi Thúy, với tiếng hát của mình, đã đưa được cảm xúc và tình cảm của con người Việt Nam vốn giàu tình cảm, lòng nhân ái và sự bao dung ra với thế giới, các nhà lãnh đạo, các học giả hàng đầu và bạn bè năm châu.
Quả là cái gì thật nó cũng đẹp và được đón nhận, nhất là khi điều đó được khơi dậy từ cảm xúc tận trong đáy lòng phát ra. Một tiếng hát quê hương ngay giữa lòng thành phố Boston.
Thật đúng là "Anh qua bao miền quê, câu hò theo chân bước, chiều nay nghe em hát mà bồi hồi con tim".
Rời hội nghị, đi trên những con phố của khu Beacon Hill một khung cảnh tràn ngập hương sắc của mùa xuân đang tràn trề nhựa sống, nhưng vẫn còn đó cái duyên dáng đến tê lòng của sự trầm mặc vốn đĩ đã rất đặc trưng cho thành phố Boston này.
Đi tìm câu hát "nắng tỏa chiều nay", vâng nó chính là quê hương, một sự man mác nhưng thanh khiết đến vô cùng!
Song Nam