Trước hết đó là cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt và bài bản hơn, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, mặc dù phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Từ thực tế, hiện đang xảy ra câu chuyện thiếu thuốc trong các bệnh viện do không dám tổ chức đấu thầu; tình trạng ách tắc hàng nghìn hồ sơ đất đai từ đầu năm đến nay tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam.
Lý do, cơ quan thuế cho rằng giá khai thuế thấp hơn so với giá giao dịch thông thường, yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải giải trình, cam kết kê khai đúng giao dịch thực tế hoặc điều chỉnh giá trên hợp đồng công chứng và hồ sơ nộp thuế... Điều này cho thấy trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý đang xuất hiện tâm lý làm việc “cầm chừng”, “né tránh”, “sợ sai”, “sợ trách nhiệm”…
Virus “trì trệ” cũng tác hại không kém gì tham nhũng. Nhưng không vì thế mà cuộc chiến chống “giặc nội xâm” chùng xuống; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức, kinh nghiệm.
Tổng Bí thư đã khẳng định rõ: Những ai nhụt chí, không dám làm thì dẹp sang một bên để người khác làm. Việc Trung ương quyết định lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là tiếng còi tiếp tục thúc đẩy sự chuyển động của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.
Cùng với đó là quyết tâm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, đảm bảo thật sự dân chủ, công khai, minh bạch, chống chạy chức, chạy quyền để lựa chọn được đúng người, nhất là người đứng đầu đủ năng lực, uy tín, bản lĩnh “liêm”, “sạch”.
Xét đến cùng, cơ quan, tổ chức mất sức chiến đấu, không dám phê bình, nên các tín hiệu cảnh báo không được kích hoạt, cán bộ vi phạm cứ thế “trượt dài”, rồi vi phạm nhỏ tích tụ lâu thành sai phạm lớn, sai phạm của cá nhân thành sai phạm của tập thể, thậm chí lan ra cả hệ thống, có nguyên nhân quan trọng do người đứng đầu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, độc đoán chuyên quyền.
Thực tế vừa qua cho thấy, đằng sau những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài đều có sự dung túng, tiếp tay, bao che, thậm chí là đồng phạm của cán bộ, công chức.
Vì làm tốt công tác cán bộ để chọn đúng người, giao đúng việc, thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn có ý nghĩa quyết định đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết không bố trí vào cơ quan lãnh đạo các cấp những người có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.
Nếu đâu đó còn câu chuyện "Chân mình còn lấm bê bê, Lại cầm bó đuốc đi rê chân người" thì câu trả lời cho kết quả phòng, chống tham nhũng có lẽ ai cũng biết.
Và trên hết, đó là thông điệp của niềm tin. Hàng nghìn vụ án, bị cáo phạm tội tham nhũng bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, hàng trăm cán bộ cấp cao bị xử lý, hàng nghìn tỷ đồng tham nhũng được thu hồi,… nhưng thành công lớn nhất trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ được tăng cường.
Con số 93% người dân được hỏi bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là động lực lớn để các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng tiêu cực yên tâm thực thi nhiệm vụ.
Niềm tin của nhân dân là thước đo hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sức mạnh của nhân dân là vô địch, mất niềm tin của dân là mất tất cả. Tăng cường và củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ là sứ mệnh thiêng liêng và là đích đến cuối cùng của cuộc đấu tranh “sinh - tử” với giặc nội xâm.
Lê Văn Hạnh