– “Không ai dám nói mạnh khi dịch Nabokov. Với dịch thuật, tôi luôn cám ơn với những phản hồi xác đáng” - dịch giả 80 tuổi cho hay.
TIN BÀI KHÁC
“Lolita” – Sự nhảy múa của ngôn ngữ
"Lolita" - Sự nguy hiểm ẩn sau vẻ đẹp
Bao giờ mới hết những chữ vô hồn?
Gặp gỡ dịch giả gạo cội của văn học dịch Việt Nam tại ngôi nhà nhỏ, trong con ngõ nhỏ của gia đình ông vào buổi sáng đầu hè, ông trò chuyện với tôi thoải mái, nhẹ nhàng, bằng một giọng nói hơi run nhưng trí nhớ thì minh mẫn. Tôi hỏi ông khá chi tiết về những điều người ta đang tranh cãi quyết liệt quanh “on the dotted line” của “Lolita” nổi tiếng. Một điểm tranh cãi không thể nói là không thú vị trong dịch thuật. Dịch giả ngoài 80 tuổi đón nhận những câu hỏi của tôi bằng một tâm hồn muốn chia sẻ, nhiều hơn bất cứ một sự biện minh, giải thích nào.
“Muốn làm tử tế thì đừng có giục”
Sau” Lolita” ông đang dịch tiếp cuốn sách nào?
- Sau khi dịch xong “Lolita” vào cuối năm ngoái tôi bắt tay vào ngay 2 tác phẩm khác. Hiện tôi vừa hoàn thành “Cơn bão” của Shakespeare cho Nhà hát Tuổi trẻ mang đi dự liên hoan Shakespeare ở Anh; và bắt đầu dịch “Tìm lại thời gian đã mất”, bộ tiểu thuyết 7 tập của Marcel Proust. Cuốn này tôi đã “nợ” mấy năm rồi, khi “ngoắc tay” với các chị Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh.
Shakespeare chắc chắn không phải là một tác giả dễ dịch. Văn chương ông sử dụng là văn chương cổ. 7 tập sách của Proust cũng là một khối lượng công việc lớn.
Khó lắm! Lại đụng đầu vào núi đá. Và dịch Proust - cũng là hơn sức mình một chút, với 7 tập tôi không thể làm một mình mà phải có một “ê-kíp”. Văn Proust có những câu phải đánh vật cả ngày. Quỹ thời gian của tôi cũng không còn nhiều lắm. Làm đến đâu hay đến đó vậy, nhưng nó như nhưng món nợ phải trả dần.
Ông có thường bị giục những tác phẩm "nợ nần" đó không?
- Có chứ! Nhưng thực ra không thể giục được. Những chuyện muốn làm tử tế, làm nghiên túc thì đừng có giục.
Quỹ thời gian không còn nhiều, nhưng có khi chỉ một câu thôi cũng lấy đi của dịch giả rất nhiều thời gian. Ông có thấy tiếc?
Tôi chẳng tiếc gì cả. Mất thời gian như thế, nhưng tìm ra được giải pháp ưng ý là một đền bù thỏa đáng.
“Lolita” và “Trên dòng kẻ chấm”
Bao nhiêu năm làm nghề, có bao giờ ông thấy độc giả tranh cãi về những tác phẩm dịch của mình?
- Có chứ! Ngay cả Lolita bây giờ cũng vậy. Có những ý kiến tranh cãi vặt vãnh, nhưng có những ý kiến rất bổ ích. Nếu có thì giờ xem lại, “Lolita” vẫn có những sơ suất phải chữa.
Dịch giả Dương Tường với bản thảo "Cơn bão" của Shakespeare vừa được dịch xong |
Ông có muốn chữa những lỗi đó không?
- Muốn chứ! Sắp tới có tái bản tôi muốn chữa ngay nhiều lắm. Ở “Lolita” có không ít lỗi đâu. Tôi đang bảo với phía Nhã Nam, khi nào tái bản thì phải để cho tôi sửa lại. Ít ra cũng phải sửa dăm chục chỗ.
Ngay cả khi ông đang bận dịch những tác phẩm mới?
- Ngay cả khi thế. Nó vẫn cứ ám ảnh mình nếu chưa dứt nợ được.
Vậy với cụm từ đang gây tranh cãi "on the dotted line", ông có chữa không?
- Cụm từ đó trong học đường, cũng như trong thủ tục giấy tờ hành chính , người ta vẫn thường gặp câu “điền vào dòng kẻ chấm". Nó không hề xa lạ gì.
Nếu cần thì sẽ thêm chú thích ở dưới - ý nói là “trên giấy tờ kê khai"; nhưng không nên nói là "trên dòng kẻ bằng những dấu chấm" không có nghĩa. Muốn kĩ hơn, cẩn thận hơn thì cho chú thích xuống dưới thôi, cũng không phải là quan trọng.
Có nghĩa là ông cho rằng không nhất thiết phải sửa câu này?
- Đúng vậy..
Khi ông đọc "on the dotted line" trong bản gốc, ông có hình dung rằng cụm từ nhắc đến văn bản giấy tờ?
- Cái đó thì rõ. Hoàn toàn rõ. Trong tu từ người ta gọi là phép ẩn dụ. Nếu chuyển sang tiếng Việt là "trên giấy tờ kê khai" thì cũng ổn thôi, không ai bắt bẻ cả; nhưng dùng "trên dòng kẻ của những dấu chấm" thì cũng không nên bắt bẻ.
Cụm từ đó có khiến ông phải cân nhắc khi dịch?
- Không. Ở trong học đường hay khi phải kê khai thủ tục, văn bản bằng giấy tờ người ta vẫn biết điều đó rồi.
Dường như “Lolita” có những điểm khác khó hơn khiến ông cân nhắc, lưu tâm?
- Đúng vậy! Nabokov còn nhiều cái khó nữa. Không ai có thể dám nói mình dịch Nabokov mà không sai. Không thể nói mạnh được. Bây giờ nhìn lại tôi thấy mình còn đầy lỗi. Có thể nói tóm lại thế này: "Nếu có thì giờ nhìn lại thì còn phải chữa nhiều".
Trước khi đến gặp ông, tôi được đọc một bài viết nhận xét rằng ông là "một người nổi tiếng gàn bướng, lại còn tự tôn quá thể đáng". Ông dịch “L’Étranger” của Albert Camus là "Người dưng", trong khi nhiều dịch giả trước năm 1975 đều dịch là “Kẻ xa lạ”, “Người xa lạ”... Tôi tạm dùng ý này với từ cực đoan, cương quyết. Ông đã cương quyết như thế nào trong dịch thuật?
- Có những chỗ phải thật là cương quyết, cực đoan. Nếu dịch là "Người xa lạ" thì ai cũng dịch được, kể cả người mới biết tiếng Pháp. Không phải lao động gì cả.
"Tôi không phải cân nhắc khi dịch "on the dotted line"" |
“Phản hồi nêu những cái dở, tôi lại càng quý hơn”
Thường thì dịch giả phản ứng thế nào với những tranh cãi của độc giả?
- Với tôi, mọi thứ cũng bình thường thôi. Không thể tránh được chuyện đó. Nhất là tôi đã ngoài 80 rồi, đủ bình tĩnh để đón nhận.
Những phản hồi nêu những cái dở của mình tôi lại quý hơn. Từ đó mình được học. Việc học này không phải là dễ, nhưng ở tuổi tôi thì phải biết điều này: Những phản hồi, phản bác một cách xác đáng thì phải xem đó là chỉ bảo của những người thầy.
Có những phản hồi được đánh giá ngay là chính xác, nhưng cũng có những phản hồi còn là tranh cãi; và không phải phản hồi nào cũng được bày tỏ bằng một cách nói dễ chịu. Ông tiếp nhận chúng ra sao?
Không sao cả, mình chỉ có thể cám ơn, dựa trên bản chất của sự việc. Có những cách nói thậm chí có thể là xược, là dạy đời, nhưng nội dung xác đáng thì mình vẫn cảm ơn thôi. Nhưng như tôi đã nói, luôn luôn có nhiều lựa chọn cho một đoạn nào đó. Người dịch sẽ chọn cách chính xác của mình, qua đó thấy tính cách riêng của người dịch. “L’Étranger” chỉ có duy nhất tôi dịch là "Người dưng" - và không sai.
Dịch giả sáng tạo và thay đổi trên bản gốc thì chưa chắc đã bị bắt bẻ, nhưng nếu dịch sát thì có thể lại bị bắt bẻ. Ông nghĩ sao về điều này?
- Bao giờ ta cũng có nhiều lựa chọn. Một câu văn trong bản gốc, ông A có thể dịch thế này, ông B dịch thế khác, ông C lại dịch khác nữa - đều đúng cả, không sai. Chọn cách nào là theo tính của người đó, không áp đặt được.
Người đọc cũng vậy, có thể thú với cách của ông này hơn cách của ông kia. Điều đó là tùy thích. Bắt bẻ, cột theo một cách, phải thế này không được thế khác... là giết sáng tạo, là loại trừ sáng tạo.
Ví dụ một ý "chậm rãi", có thể có hàng mấy chục ý diễn đạt: “thư thả”, “ung dung”, “từ tốn” ... nhưng ở trong văn cảnh nào, dùng phương cách nào là cách của người viết. Người nào bắt bẻ phải theo ý mình là một người độc đoán.
Một số độc giả trong giới nghiên cứu cho rằng việc dịch tác phẩm chưa toàn vẹn, còn là do dịch giả không hiểu về văn hóa bản địa?
Cũng có thể. Khi không có thời gian sống tại bản địa, thì việc mắc lỗi cũng là dễ hiểu thôi. Nhất là với những điều thuộc về tập tục, hay phụ thuộc vào việc phải sống với người dân nơi đó thì mới thành thạo. Bản thân tôi còn là một người tự học.
“Không ai dám nói mạnh khi dịch Nabokov”
Ông nghĩ gì về Nabokov và những câu chữ của nhà văn, sau khi dịch xong” Lolita”?
- Từ xưa Nabokov đã là một trong những nhà văn mà tôi yêu thích nhất, là một trong những đỉnh cao. Nhiều trường hợp cách chơi chữ của ông làm tôi trằn trọc, đi cả vào trong giấc ngủ, đến khi tìm ra cách xử lý mới ngủ được.
Có lúc nào ông lấn cấn câu chữ, nhưng vì muốn xong mà phải hạ bút?
- Có những chỗ tôi lấn cấn, thì đánh dấu vào để chừng nào đó phải quay lại.
Nếu tự mình không giải quyết được vấn đề đó thì sao?
- Cuối cùng cũng phải tìm ra cách thôi. Có thể bản dịch cuối chưa hoàn hảo, nên bây giờ nhìn lại có những chỗ chưa ưng. Ông ấy - Nabokov - là khó lắm. Dịch Nabokov không ai dám nói mạnh rằng mình không sai.
Dịch giả Dương Tường bên tủ sách trong phòng làm việc của ông |
Với những tác phẩm khó như thế, có nên tìm một ai khác để tham khảo với những điều mình băn khoăn?
- Nên. Nhưng không có nhiều người để mình tham khảo. Vì vậy phải tham khảo bằng cách đi tìm đọc những tài liệu xung quanh. Với Nabokov, tôi cũng phải tìm khá nhiều tài liệu.
Thực ra Nabokov là một nhà văn Nga, nhưng viết “Lolita” bằng tiếng Anh. Ông có nhận thấy điều này từ trong văn của Nabokov?
- Nabokov là một phù thủy chữ. Nói cho chính xác, Lolita được viết bằng tiếng Mỹ chứ không phải tiếng Anh. Ông làm chủ ngôn ngữ thứ 2 như tiếng mẹ đẻ, mặc dù trong hậu từ ông có nói là ông "dùng một thứ tiếng Anh hạng 2". Nhưng thứ tiếng Anh của ông tuyệt vời, và tột đỉnh. Cách dùng chữ, cách xử lý câu văn của ông đặc biệt lắm, mà lại có “vị” Slave.
Trong thông tin bắt lỗi “Lolita” vừa qua, người viết có trích ra bản dịch tiếng Nga cho cụm từ "on the dotted line". Không biết ông có đọc đoạn đó không?
- Tôi không biết tiếng Nga, nên cũng không có bản tiếng Nga để mà đối chiếu. Nếu tôi biết tiếng Nga và có bản dịch tiếng Nga, thì bản dịch tiếng Việt có thể tốt hơn.
“Lolita” chưa nằm trong số tác phẩm tôi ưng ý
Sau nửa thế kỉ làm công tác dịch thuật, đâu là những tác phẩm khiến ông ưng ý nhất, và “Lolita” có nằm trong số đó?
- “Lolita” chưa nằm trong đó, bởi khi nhìn lại mình vẫn còn thấy thiếu sót. Một trong những tác phẩm khiến tôi ưng ý nhất lại là một tác phẩm ngắn - "Bức thư gửi người đàn bà không quen" của Stefan Zweig.
Tôi đã từng được đọc tác phẩm này hồi nhỏ và vẫn còn ấn tượng tới giờ. Ông có muốn nói gì về dịch thuật - điều ông đã lựa chọn cho cả cuộc đời?
Tôi đã tự nguyện. Tự nguyện trở thành chiếc cầu nối những tinh hoa nhân loại với người đọc Việt Nam.
Ông đã nhận được điều gì sau khi tiếp xúc với những tác phẩm lớn?
Chỉ có thể học được những cái hay, cái tốt thôi!
Một ngày bình thường ông làm việc mấy tiếng?
-Bất cứ lúc nào có thể làm việc được thì làm thôi. Bây giờ tuổi già ít ngủ, nên càng có nhiều thời gian hơn để làm việc.
Ông thích làm việc với tác phẩm tiếng Anh hơn, hay tiếng Pháp hơn?
-Tôi thích làm việc với tác phẩm tiếng Pháp hơn.
“Các tác phẩm tranh cãi có lực hấp dẫn tôi”
Lolita là một tác phẩm tranh cãi từ bản gốc. Ông cũng đã dịch "Mort à crédit" (Chết chịu) của Louis-Ferdinand Céline - cuốn sách chưa được in tại Việt Nam bởi theo lý giải là vì có nhiều trang "sex". Cảm giác của ông khi dịch những tác phẩm tranh cãi như thế nào? có đặc biệt hơn?
- Đặc biệt hơn chứ! Có một cái gì đó giống như tôi bị hấp dẫn. Một trong những tác phẩm đầu tiên tôi dịch là Anna Karenina - cũng là một tác phẩm gây tranh cãi ở thời kì trước.
Ông đón nhận những tranh cãi còn tiếp sau đó với bản tiếng Việt của mình như thế nào?
- Đón nhận như là nó đến thôi.
Những tác phẩm đầu tiên ông đã dịch?
- Đầu tiên là một tập truyện ngắn Xô Viết – “Cây tường vi” , lấy đầu đề một truyện ngắn của K.Pauxtopxki làm đầu đề chung cho cả tập, tôi dịch qua bản tiếng Pháp. Hồi đó có nhiều tác phẩm văn học Nga được dịch qua tiếng Pháp. Sau đó là kịch “Chim hải âu” của Sekhov, Cái tẩu, và Anna Karenina.
Cảm giác đầu tiên của ông khi hoàn thành chúng?
- (Cười) Cảm thấy bằng lòng. “À mình cũng dịch được chứ không phải là vô dụng”.
Điều gì đã khiến ông quyết định gắn bó với dịch thuật, có phải từ những tác phẩm đầu tiên ấy?
Bắt đầu từ Sekhov. Dịch Sekhov xong, tôi thấy mình đã làm một công việc có ý nghĩa.
Xin cảm ơn ông!
Hồ Hương Giang (thực hiện)
Ảnh: Angellittlefire