Dịch bệnh tả đã giết chết khoảng 10.000 người ở Haiti trong đợt bùng phát hồi năm 2010. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Liên châu Mỹ hồi năm 2020 cho biết rằng, Haiti đã trải qua một năm không hề có ca dịch tả nào được xác nhận.
“Theo thông tin chúng tôi có được, số ca tử vong vào khoảng 7 đến 8 người”, quan chức cơ quan y tế Haiti Laure Adrien cho biết trong cuộc họp báo hôm 2/10, và nói thêm rằng các quan chức đang cố gắng lấy thông tin từ các bệnh viện.
Bộ Y tế Haiti trước đó xác nhận một ca xảy ra tại khu vực Port-au-Prince và có một số ca nghi ngờ tại thị trấn Cite Soleil bên ngoài thủ đô, nơi từng diễn ra các cuộc chiến băng đảng ác liệt trong tháng 7.
Từ tháng trước, các băng đảng đã phong tỏa cảng nhiên liệu chính của Haiti để phản đối việc giá năng lượng leo thang. Nhiều bệnh viện đã buộc phải đóng cửa hoặc thu hẹp các hoạt động do tình trạng thiếu nhiên liệu để chạy máy phát điện.
Việc sử dụng phương tiện đi lại cơ bản hiện là điều không thể đối với hầu hết người dân nước này.
Công ty Caribbean Bottling, nhà cung cấp nước đóng chai chủ chốt, hôm 2/10 cho biết không thể tiếp tục sản xuất và phân phối nước vì đã hết dầu diesel, vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng của họ.
Haiti đã phải chống chọi với sự bùng phát của dịch tả kể từ tháng 10/2010 – 9 tháng sau khi nước này hứng chịu trận động đất kinh hoàng. Nhờ những nỗ lực của Haiti và cộng đồng quốc tế dưới sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc, số ca nhiễm bệnh đã giảm mạnh.
Cũng liên quan tới bệnh tả, mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số ca mắc bệnh trên thế giới tăng mạnh trong năm nay, đặc biệt ở những khu vực dân cư nghèo đói và xảy ra xung đột.
Đến nay đã có 26 quốc gia phát hiện các ổ bùng phát dịch tả, đáng chú ý là tỷ lệ tử vong tăng mạnh.
Phát biểu hôm 30/9, Trưởng nhóm phụ trách dịch tả của WHO Philippe Barboza cho biết, thông thường mỗi năm có chưa đến 20 nước phát hiện các ổ dịch tả. Tuy nhiên, từ đầu 2022 đến nay, số ổ bệnh đã bùng phát nhiều một cách đáng lo ngại trên toàn thế giới.
Tỷ lệ tử vong trung bình do bệnh này gây ra từ đầu năm đến nay cũng đã tăng gấp 3 lần so với tỷ lệ trung bình được ghi lại trong 5 năm gần nhất. Theo quan chức WHO, hiện trên thế giới chỉ còn vài triệu liều vắc xin phòng bệnh tả đủ dùng đến cuối năm nay.
Ông bày tỏ lo ngại rằng, thế giới không đủ vắc xin để sử dụng nếu xảy ra các đợt bùng phát cấp và việc triển khai các chiến dịch tiêm phòng nhằm ngăn ngừa dịch bùng phát, đặc biệt giúp giảm nguy cơ tại các nước dễ chịu tác động, lại càng khó khăn hơn.