Nhằm từng bước hình thành thói quen và nâng cao kỹ năng tự thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh vừa chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo công chức, viên chức (CC,VC) làm việc tại bộ phận một cửa thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT, không trực tiếp làm thay, để người dân quen dần thao tác, các bước thực hiện trên môi trường điện tử.

Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Cà Mau là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành sớm việc kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh với Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Sự kết nối này để phục vụ chuyển đổi sang sử dụng VNeID làm tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử kể từ ngày 1/7/2024.

Ðồng thời, Cà Mau là 1 trong 14 địa phương hoàn thành sớm việc số hoá dữ liệu sổ hộ tịch lịch sử trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 87/2020/NÐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ (giao trước ngày 31/12/2024).

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, nhiều chỉ tiêu đạt, vượt so với kế hoạch, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết qua DVCTT đạt 92,17% (kế hoạch 80%); tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 77,62% (kế hoạch 60%); tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của cấp tỉnh đạt 93,25% (kế hoạch 90%), cấp huyện đạt 95,68% (kế hoạch 75%), cấp xã đạt 96,68% (kế hoạch 70%).

Ca Mau.jpg
Người dân thực hiện TTHC tại Bộ phận Một cửa thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước.

Trong năm, có 205.773 hồ sơ cấp tỉnh giải quyết đúng và trước hạn (tỷ lệ 99,99%), 2 hồ sơ trễ hạn (tỷ lệ 0,01%); 27.350 hồ sơ cấp huyện giải quyết đúng và trước hạn (tỷ lệ 99,99%), 3 hồ sơ trễ hạn (tỷ lệ 0,01%); 124.047 hồ sơ cấp xã giải quyết đúng và trước hạn (tỷ lệ  99,98%), 23 hồ sơ trễ hạn (tỷ lệ 0,02%) (không tính hồ sơ ngành dọc); tất cả các trường hợp hồ sơ trễ hạn đều có văn bản xin lỗi theo quy định. Với kết quả giải quyết TTHC này, tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 97,72%.

Ðặc biệt, trong năm 2024, tỉnh Cà Mau được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, thành viên Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, ghi nhận và đánh giá cao trong công tác cải cách TTHC, có nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, triển khai tiếp nhận và xử lý hồ sơ về trích lục bản đồ địa chính thửa đất, trích đo địa chính thửa đất trên Hệ thống một cửa điện tử. Từ đó, giúp người dân dễ dàng tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có thể kiểm tra, giám sát tiến độ giải quyết hồ sơ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh thí điểm tiếp nhận hồ sơ về trích lục bản đồ địa chính thửa đất, trích đo địa chính thửa đất tại Bộ phận Một cửa của TP Cà Mau và các huyện: Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn. Kết quả từ khi triển khai thực hiện (ngày 1/4/2024) đến nay, bộ phận một cửa của 4 đơn vị này đã tiếp nhận 9.208 hồ sơ.

Ðồng thời, khảo sát, đánh giá kiến thức CCHC gắn với chuyển đổi số đối với 4.935 cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tìm hiểu, cập nhật kiến thức về CCHC, chuyển đổi số, Ðề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Ðề án 06).

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Phương án đơn giản hoá TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Cà Mau. Luỹ kế đến nay có 1.375 TTHC được cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định, tỷ lệ 63,92%.

Tuy nhiên, theo đánh giá, vẫn còn trường hợp người dân phải nhờ vào sự hướng dẫn, hỗ trợ của công chức làm việc tại bộ phận một cửa để thực hiện nộp hồ sơ qua DVCTT. Nguyên nhân được cho là do khả năng sử dụng điện thoại thông minh của một số người dân chưa thành thạo; còn trông chờ vào công chức hướng dẫn thực hiện việc nộp hồ sơ trực tuyến khi người dân có nhu cầu.

Do vậy, để đảm bảo nhu cầu giải quyết TTHC cho người dân cũng như từng bước số hoá các quy trình thủ tục, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, chỉ đạo bố trí lực lượng của tổ công nghệ số cộng đồng trực tại bộ phận một cửa cấp huyện, tại bộ phận một cửa cấp xã (đối với những nơi phát sinh nhiều hồ sơ) để tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự thực hiện DVCTT.

Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tự thực hiện DVCTT, không cần phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ của công chức làm việc tại bộ phận một cửa. Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng, tổ công tác triển khai Ðề án 06, tổ hướng dẫn và hỗ trợ dịch vụ hành chính công... nhằm từng bước hình thành thói quen và nâng cao kỹ năng tự thực hiện DVCTT cho người dân.

Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về DVCTT , thanh toán trực tuyến, số hoá kết quả giải quyết TTHC bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả; đảm bảo người dân biết, hiểu và thực hiện, góp phần từng bước hình thành nên những công dân số.

UBND tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là đối với các TTHC có liên quan đến người dân, doanh nghiệp; kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những TTHC rườm rà, phức tạp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Theo Hồng Nhung (Báo Cà Mau)