Theo Guardian, Ukraine từ lâu đã được biết tới là một trong những quốc gia có 'ngành công nghiệp' đẻ thuê lớn nhất thế giới. Vào năm 2018, Ukraine chịu trách nhiệm cho 1/4 số trẻ em được sinh ra bằng phương pháp mang thai hộ trên thế giới.
Kể từ khi Nga ban hành dự luật cấm mang thai hộ cho người nước ngoài vào năm 2022, "ngành công nghiệp" này càng phát triển mạnh ở Ukraine.
Báo cáo của các phòng khám tại Ukraine cho biết, đã có hơn 1.000 trẻ em được sinh ra bởi dịch vụ đẻ thuê ở nước này kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Khoảng 600 đứa trẻ trong số này được sinh ra tại một phòng khám ở Kiev do BioTexCom điều hành, khách hàng của phòng khám này chủ yếu tới từ Italia, Đức, Romania và Anh.
"Ngay cả trong những tháng đầu của cuộc xung đột, các cặp vợ chồng nước ngoài vẫn tới Ukraine để đón con của họ. Số yêu cầu chúng tôi nhận được hiện nay vẫn rất cao, ngang bằng với mức trước xung đột", ông Igor Pechenoha, đại diện BioTexCom nói.
Cũng theo ông Pechenoha, BioTexCom đã thiết lập một hệ thống hầm tránh bom với đầy đủ vật dụng cần thiết cho thai phụ và trẻ sơ sinh. Đại dịch Covid-19 đã dạy công ty này cách chuẩn bị cho mọi tình huống, xung đột vũ trang không phải là một ngoại lệ.
Vào tháng 5/2022, một cặp vợ chồng người Mỹ đã bất chấp nhiều nguy cơ để tới Kiev đón con của họ. Đôi vợ chồng này đã trải qua nhiều lần thụ tinh ống nghiệm trong 8 năm qua, và cuối cùng cũng được tận hưởng niềm vui làm cha, mẹ.
"Tôi nghĩ bất kỳ ai cũng sẽ làm như vậy. Cuộc xung đột không làm chúng tôi nhụt chí, những người phụ nữ Ukraine sẵn sàng mang thai 9 tháng giữa bom đạn, tôi nghĩ mình có thể mạo hiểm một lần", người đàn ông tới từ Mỹ chia sẻ.
Theo ông Pechenoha, mang thai hộ người khác không phải là một việc đơn giản, và càng trở nên khó khăn hơn trong thời kỳ xung đột. Rất nhiều thai phụ đã phải sinh con trong hầm trú ẩn, nhưng họ vẫn làm điều này vì tiền.
"Tôi chưa gặp người phụ nữ nào có hoàn cảnh kinh tế tốt lại đi đẻ thuê. Họ không muốn có thêm con, họ muốn có tiền để nuôi dạy những đứa trẻ mà họ đã có", ông Pechenoha nói.
Dịch vụ đẻ thuê của BiotexCom sẽ tiêu tốn của khách hàng khoảng 44.000 USD (hơn 1 tỷ VND), một nửa số tiền này sẽ được trả cho người phụ nữ mang thai hộ.
Dù hợp pháp, nhưng đẻ thuê là một vấn đề gây tranh cãi tại Ukraine. Vào năm ngoái, các nhà lập pháp Ukraine đã đưa ra một dự luật nhằm hạn chế việc đẻ thuê ở nước này, nhưng đã không được Quốc hội thông qua.