Sáng 12/9, tại TP Huế, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) (Bộ TT&TT) phối hợp với chính quyền địa phương đã tổ chức Hội thảo “Các giải pháp tăng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền”.

{keywords}
Hội thảo “Các giải pháp tăng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền”

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT và các lãnh đạo phòng, ban chuyên môn của Cục.

Đặc biệt, hội thảo lần này, ngoài sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam, còn có sự góp mặt của ông David Sismon – Phó chủ tịch cấp cao hãng truyền hình nổi tiếng thế giới HBO.

Ông Nguyễn Chấn – Trưởng phòng QLDV (thuộc Cục PTTH&TTĐT) cho biết, những năm gần đây thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống trong khu vực tăng trưởng chậm với mức khoảng 4-5%, với doanh thu khoảng 6-7%. Trong khi đó, thuê bao truyền hình OTT (dich vụ truyền hình trên nền tảng Internet) tăng trưởng mạnh về cả nhu cầu sử dụng và doanh thu, với 50%/năm.

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT và các lãnh đạo phòng, ban chuyên môn của Cục tại hội nghị

“Có thể thấy, thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống phát triển rất chậm, cơ bản đã bão hòa. Trong khi đó, thuê bao truyền hình OTT phát triển như vũ bão, thuê bao năm sau gấp đôi năm trước.

Với xu hướng như vậy, dịch vụ truyền hình OTT sẽ ngày càng chiếm ưu thế. Dư địa để phát triển dịch vụ truyền hình OTT còn rất lớn, nhưng cạnh tranh ngày càng khốc liệt”, ông Chấn nhận định.

Cũng theo ông Chấn, cơ quan quản lí nhà nước luôn đồng hành với doanh nghiệp về chính sách, pháp luật để cộng đồng doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh trong cùng điều kiện pháp lí.

Hiện nay cả nước có 36 doanh nghiệp tham gia thị trường truyền hình trả tiền, cung cấp 297 kênh trong nước và 70 kênh nước ngoài cho người sử dụng dịch vụ.

“Trong các năm 2018 – 2019, việc cấp phép và quản lí hoạt động dịch vụ truyền hình trả tiền đã được lãnh đạo Bộ TT-TT, Cục PTTH&TTĐT quan tâm chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ nhưng vẫn còn xảy ra vi phạm. Nhìn chung, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chấp hành chính sách pháp luật, một số vi phạm không mang tính chất cơ bản”, ông Chấn chia sẻ.

Các ông lớn "giáp mặt"

Là đại diện duy nhất của nước ngoài tham gia hội thảo, ông David Sismon – Phó chủ tịch cấp cao hãng truyền hình HBO cho biết, HBO GO được phân phối tại Việt Nam thông qua công ty Q.net với tư cách đối tác về kỹ thuật và phân phối. 

{keywords}
Ông David Sismon chia sẻ những thuận lợi, khó khăn của đơn vị này khi tham gia thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam

Theo đó, Q.net cấp quyền phân phối cho các nền tảng OTT và Pay TV hiện có tại Việt Nam, cung cấp các dịch vụ lưu trữ và truyền phát nội dung của HBO GO.

“Chiến lược của HBO châu Á là cung cấp cho những khách hàng hiện tại cùng các đối tác Pay TV quyền truy cập vào các sản phẩm theo yêu cầu mà chúng tôi sở hữu, đồng thời mở rộng ra các thị trường mới tới những khách hàng hiện chưa tham gia vào hệ sinh thái Pay TV”, một phần nội dung tham luận tại Hội thảo của ông David Sismon chia sẻ.

Cũng theo chia sẻ của vị Phó chủ tịch cấp cao hãng truyền hình HBO, với việc sử dụng dich vụ truyền hình trả tiền OTT trên nền tảng Pay TV, người dùng tại Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thư viện đầy đủ các nội dung do HBO sản xuất, được thưởng thức những phim bom tấn Hollwood mới nhất trên Pay TV.

{keywords}
Đại diện Công ty FPT Tellecom

Chia sẻ về sự phát triển của truyền hình trả tiền OTT những năm gần đây, ông Vũ Anh Tú – Phó Tổng GĐ Công ty FPT Tellecom cho biết, thị phần ứng dụng FPT Play của đơn vị này đang chiếm những ưu thế so với các ứng dụng OTT khắc trong những năm gần đây.

“Mức giá dịch vụ của các ứng dụng OTT hiện nay dao động từ 25.000 – 150.000 đồng. Trong khi đó, với gói FPT Play giá 100.000 đồng, người dùng có thể thoải mái xem 200 kênh truyền hình trong nước, quốc tế; miễn phí kho phim FPT Play; các giải đấu thể thao độc quyền, phân phối, phát sóng…”, ông Tú nói.

Ông Tạ Sơn Đông – Phó TGĐ công ty VTV Cab cho biết, “quan điểm của VTV Cab là lấy nội dung làm “vũ khí chiến lược”, bởi chúng tôi hiểu rằng, người dùng làm chủ lựa chọn xem gì, khi nào và ở đâu?"

Theo ông Đông, mục địch hướng đến của đơn vị này khi tham gia thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền là cung cấp gói nội dung khác biệt.

"Chính vì vậy nội dung phải là giá trị cốt lõi của truyền hình, là công cụ cạnh tranh quan trọng bậc nhất. Nội dung khác biệt sẽ tạo điểm nhấn cho dịch vụ, nội dung đặc sắc là điểm mạnh và lợi thế duy nhất của nhà cung cấp dịch vụ”, ông Đông chia sẻ.

Quang Thành