Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Ngành Máy tính tiếp tục dẫn đầu
PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định: "Các ngành hot của thế giới và cả nước như: Máy Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ vẫn thu hút người học. Tuy vậy, do các trường đang gia tăng chỉ tiêu cho lĩnh vực này nên có lẽ điểm chuẩn chung không tăng.
Các ngành hot không kém trong những năm qua như: Logistic, Cơ điện tử, Ô-tô sẽ vẫn còn giữ thương hiệu và điểm chuẩn như năm trước. Các ngành trung bình có lẽ sẽ giảm điểm chuẩn chút do phổ điểm THPT năm nay có lẽ giảm chút (theo đánh giá sơ bộ cho các tổ hợp có khoa học tự nhiên. Các ngành rất cần nguồn nhân lực nhưng ít người theo đuổi như Bảo dưỡng công nghiệp, Kỹ thuật xây dựng, Cơ sở hạ tầng, Cơ khí… điểm chuẩn có thể sẽ thấp hơn".
Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng, cũng không loại trừ trường hợp các thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT không cao đã chọn học bằng các phương thức tuyển sinh sớm và cho phần còn lại cạnh tranh về điểm mạnh hơn, ảnh hưởng đến điểm chuẩn các trường.
Ông Thắng cũng khuyến cáo ĐH Quốc gia TP.HCM đang là đầu tàu trong đào tạo các lĩnh vực mới như lĩnh vực thiết kế vi mạch, vì vậy thí sinh nên cân nhắc cùng tham gia phục vụ phát triển khoa học kỹ thuật đất nước.
Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Dự đoán điểm chuẩn tăng
Từ điểm thi của khối B00 năm nay, thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên môn Toán, Trường THPT Thủ Đức, thống kê năm 2022, điểm chuẩn cao nhất là ngành Y khoa với 27,55, năm nay cả nước có 615 thí sinh có điểm tổ hợp B00 bằng hoặc hơn mức điểm này. Ngành có điểm chuẩn thấp nhất là Hộ sinh với 19,05 điểm, năm 2023, cả nước có 239.261 thí sinh có điểm tổ hợp B00 bằng hoặc hơn mức điểm này.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cũng nhận định điểm chuẩn Trường ĐH Y Dược TP.HCM sẽ tăng trong khoảng 0,5 điểm. Các trường đại học y dược khác tăng từ 1 đến 1,5 điểm.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng nhận định năm nay, sẽ hiếm có ngành điểm chuẩn trên 28, tuy nhiên ngoại trừ một số ngành đặc biệt như Y Dược.
Thống kê của ông Phùng Quán, chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ở khối B00 với mức điểm 29,5 năm 2023 có 9 thí sinh, trong khi năm 2022 không có thí sinh nào. Mức điểm 29, năm 2023 có 23 thí sinh, năm 2022 chỉ có 13 thí sinh đạt được; Mức điểm 28,5 năm 2023 có 94 thí sinh, năm 2022 có 68 thí sinh.
Mức điểm 28 năm 2023 có 283 thí sinh còn năm 2022 có 192 thí sinh; Mức điểm 27,5 năm 2023 có 673 thí sinh trong khi năm 2022 có 521 thí sinh; Mức điểm 27 năm 2023 có 1.434 thí sinh, trong khi năm 2022 có 1.181 thí sinh.
Mức điểm 26,5 năm 2023 có 2.720 trong khi năm 2022 có 2.415; Mức điểm 25 năm 2023 có 13.353 thí sinh, trong khi năm 2022 có 11.082 thí sinh... Như vậy, ở khối này cùng một mức điểm nhưng số lượng thí sinh đạt được năm 2023 nhiều hơn năm 2022.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM: Dự đoán điểm chuẩn giảm
Trao đổi với VietNamNet, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhận định điểm chuẩn của trường năm nay sẽ tăng, giảm ở một số ngành. Điểm chuẩn xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT của trường sẽ có biến động nhất định, một số ngành sẽ tăng điểm chuẩn nhưng cũng có những ngành sẽ giảm.
Theo ông Nhân, những ngành xét tổ hợp B00 (Toán, Hoá, Sinh) dự kiến sẽ tăng nhẹ như nhóm ngành Dược, các nhóm ngành về Hoá, Thực phẩm, Sinh học, Môi trường.
Trong khi đó, những ngành xét các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), C01 (Toán, Văn, Lý) và D01 (Toán, Văn, Anh) sẽ giữ nguyên hoặc có xu hướng giảm nhẹ so với năm ngoái, khoảng 0,5-1 điểm.
Nhóm ngành Kinh doanh quản lý trong đó ngành Kinh doanh quốc tế dự kiến sẽ có điểm chuẩn cao nhất. Lý do là điểm chuẩn của ngành này xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM cũng như xét học bạ đã cao nhất. Năm ngoái, ngành Kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn cao nhất là 26 điểm.
Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tuyển hơn 8.000 sinh viên cho 45 ngành và nhóm ngành. Đối với phương thức xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhà trường nhận hồ sơ xét tuyển từ 19 đối với các chương trình đại trà; 18 điểm với chương trình chất lượng cao, liên kết, riêng phân hiệu tại Quảng Ngãi nhận hồ sơ xét tuyển từ 17 điểm.
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM: Điểm chuẩn có thể giảm nhẹ
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhìn nhận phổ điểm khối A00, A01 thi tốt nghiệp THPT năm 2023 không thay đổi nhiều so với năm 2022.
Trong đó, điểm môn Toán giảm nhẹ, điểm các môn như Lý, Hoá, Văn không thay đổi nhiều so với năm trước. Ở các trường đại học, chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT của ngành Tài chính - Ngân hàng không thay đổi nhiều.
Bên cạnh đó, năm nay cách tính điểm ưu tiên thay đổi. Thí sinh đạt điểm xét tuyển từ 22,5 điểm trở lên sẽ không được cộng tối đa ưu tiên, điểm càng cao mức cộng ưu tiên càng thấp. Theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sau khi quy đổi về thang 30 được xác định theo công thức: Mức điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Điểm điểm ưu tiên theo quy định.
Từ những lý do trên, theo ông Vũ, xu hướng điểm chuẩn ngành Tài chính- Ngân hàng năm nay sẽ giảm nhẹ do với năm ngoái. Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ông Vũ nhận định: "Mặt bằng điểm chuẩn năm nay của trường sẽ không biến động nhiều, điểm chuẩn sẽ không tăng, có thể giảm nhẹ so với năm ngoái".
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM: Ngành Ngôn ngữ Anh, Sư phạm Anh sẽ tăng
PGS Đỗ Văn Dũng, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nhận định điểm chuẩn ngành Ô tô các Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM năm 2023 sẽ giảm từ 0,5 đến 1 điểm.
Ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, điểm chuẩn sẽ dao động từ 25 đến 26, còn điểm chuẩn ngành Ô tô ở các trường ĐH khác giảm từ 1 đến 2 điểm so với năm ngoái. Điểm chuẩn các ngành công nghệ kỹ thuật giảm 1 đến 2 điểm so với năm ngoái. Điểm chuẩn nhóm các khối ngành kinh tế đứng yên. Riêng điểm chuẩn ngành Ngôn ngữ Anh, Sư phạm Anh sẽ tăng từ 1 đến 1,5 điểm.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM: Điểm chuẩn sẽ tăng, giảm 0,5 đến 1
Thạc sĩ Trần Nam , Chuyên gia Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, nhận định các tổ hợp với các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Toán được sử dụng chủ yếu trong các tổ hợp xét tuyển, trong đó tổ hợp C00, D01 chiếm đa số.
Dữ liệu điểm của năm 2023 cho thấy tổ hợp C00 có điểm trung bình là 19,04 (so với 2022 là 19,53), D01 có điểm trung bình là 18,56 (so với 2023 là 18,13) nên khả năng điểm chuẩn của các ngành của 2 tổ hợp này giữ ổn định, nếu có thay đổi có thể ở mức tăng hoặc giảm 0,5 điểm đến 1 điểm.
Năm 2023, nhà trường còn rất nhiều chỉ tiêu cho phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT nên điều này tạo cơ hội trúng tuyển cao cho thí sinh. Năm 2022, điểm chuẩn các ngành bằng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM dao động từ 20 đến 28,25 điểm. Ngành Báo chí (tổ hợp C00) có điểm trúng tuyển cao nhất với 28,25 điểm.
Thống kê của nhà trường có có 65% số tổ hợp xét tuyển có điểm chuẩn từ 24 trở lên, 35% có điểm chuẩn dưới 24. 10 ngành có tổ hợp điểm chuẩn cao nhất gồm: Báo chí, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Truyền thông đa phương tiện, Tâm lý học, Quản lý thông tin, Quản trị văn phòng, Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học, Việt Nam học.
Trường ĐH Công Thương TP.HCM: Điểm chuẩn nhiều ngành sẽ trên 21
Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh nhà trường, cho hay với lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xấp xỉ như năm trước, khoảng 20.000 nguyện vọng thì điểm chuẩn các ngành sẽ có xu hướng thấp hơn so với năm 2022, trong khoảng từ 0,5 - 2 điểm.
Cụ thể, các ngành có điểm chuẩn cao nhất dự kiến là Marketing và Ngôn ngữ Trung Quốc với mức khoảng 22 điểm. Các ngành như Kinh doanh quốc tế, Kế toán, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin và Ngôn ngữ Anh có mức điểm chuẩn dự kiến là khoảng 21 điểm trở lên.
Trong khi đó, các ngành như Quản trị kinh doanh, Luật kinh tế, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có điểm chuẩn dự kiến là 20 - 21 điểm. Các ngành như Công nghệ thực phẩm, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Quản trị khách sạn có mức điểm chuẩn dự kiến là 20 điểm. Ngành An toàn thông tin dự kiến có điểm chuẩn là 19 - 20 điểm, trong khi ngành Quản trị kinh doanh thực phẩm có mức điểm chuẩn dự kiến là 18,5 -19 điểm. Các ngành như Công nghệ sinh học, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hoá có điểm chuẩn dự kiến là 18 - 19 điểm. Ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm dự kiến có mức điểm chuẩn là 18,5 điểm. Các ngành có điểm chuẩn thấp dự kiến là Kinh doanh thời trang và dệt may, Công nghệ dệt may với mức khoảng 17 điểm. Các ngành còn lại có mức điểm chuẩn dự kiến khoảng 16 điểm.
3 ngành nhóm Thương mại điện tử có điểm khoảng từ 22 điểm trở lên mới có hi vọng trúng tuyển, do ngành này đang hot và có ít chỉ tiêu, các ngành Công nghệ tài chính và Khoa học dữ liệu ở mức 17 - 19 điểm có thể trúng tuyển vào trường.
Tra cứu điểm chuẩn ĐH-CĐ năm 2023 nhanh trên VietNamNet