Thống kê của Trường ĐH Kinh tế Luật, điểm trung bình trúng tuyển năm 2022 là 26,36. Trong đó, điểm trung bình khối ngành Kinh tế là 26,22 điểm, khối ngành Kinh doanh là 26,64 điểm và khối ngành Luật là 25,65 điểm. Đây là tổng điểm của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01 và D07 đối với học sinh THPT khu vực 3 và không nhân hệ số.
Trường đã nhận được tổng cộng 7.650 hồ sơ đăng ký xét tuyển với 14.004 nguyện vọng của thí sinh nộp xét tuyển. Trong số các thí sinh trúng tuyển vào UEL, 897 thí sinh có kết quả tổng điểm từ 25 trở lên, 253 thí sinh có kết quả tổng điểm từ 27 trở lên. Trong đó, thí sinh Nguyễn Lê Trường Thịnh (Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, Bình Dương; trúng tuyển vào chương trình Kiểm toán) đạt 28,20 điểm (chưa cộng điểm ưu tiên), là thí sinh cao điểm nhất ở phương thức này.
Năm 2022, Trường ĐH Kinh Tế Luật dành 30-60% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét điểm tốt nghiệp, Điểm sàn đối với tổ hợp các môn xét tuyển các ứng viên phải đạt tổng số 20 điểm trở lên.
Top 5 trường THPT có số thí sinh trúng tuyển phương thức này nhiều nhất vào UEL gồm: THCS và THPT Nguyễn Khuyến (Tp. Hồ Chí Minh); THCS-THPT Nguyễn Khuyến (Bình Dương); THPT Dĩ An (Bình Dương); THPT Võ Trường Toản (Tp. Hồ Chí Minh); THPT Nguyễn Huệ (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Chương trình đào tạo có điểm trúng tuyển cao nhất là Thương mại điện tử với mức 27,55 điểm. Trong 48 chương trình đào tạo tại UEL, có 3 chương trình đào tạo có mức điểm trúng tuyển trên 27 điểm (Thương mại điện tử, Marketing, Kinh doanh quốc tế). Đối với 2 chương trình đào tạo mới của UEL, điểm trúng tuyển đối với chương trình Luật thương mại quốc tế chất lượng cao bằng tiếng Anh là 24,65 điểm và chương trình Luật và Chính sách công là 23,50 điểm. Kinh tế đối ngoại, Marketing, Luật Thương mại quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh, Thương mại điện tử vẫn nằm trong Top những ngành được nhiều thí sinh đăng ký nhất ở phương thức xét tuyển này.
Trước đó, Trường ĐH Kinh tế Luật đã công bố kết quả đủ điều kiện trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác: Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM; Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM; Dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; Dựa trên chứng chỉ quốc tế kết hợp với kết quả học THPT vào các chương trình Chất lượng cao, Chất lượng cao bằng tiếng Anh, Chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp.
Năm 2021, điểm chuẩn ngành Kinh doanh quốc tế cao nhất với 27,65 điểm. Trong đó, điểm trung bình trúng tuyển khối ngành Kinh tế là 26,25 điểm, khối ngành Kinh doanh quản lý là 26,68 điểm và khối ngành Luật là 26,26 điểm.
Theo thống kê, có 16.025 thí sinh với 27.050 nguyện vọng đăng ký vào trường theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Trong đó có 956 thí sinh có tổng điểm xét tuyển >= 25; 300 thí sinh có điểm trúng tuyển >= 27 trúng tuyển và có 9 chương trình đào tạo có điểm chuẩn trúng tuyển trên 27 điểm.
Học phí trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM năm học 2022 - 2023 cho 3 chương trình thuộc hệ đào tạo đại học chính quy như sau:
Chương trình đại trà: 21.550.000 VNĐ/năm
Chương trình chất lượng cao: 33.800.000 VNĐ/năm
Chương trình chất lượng cao bằng tiếng Anh: 50.930.000 VNĐ/ năm
Nhà trường sẽ điều chỉnh mức tăng học phí theo từng năm không quá 10% so với quy định.
>>>Mời quý phụ huynh và học sinh tra cứu điểm chuẩn đại học 2022