“Tôi vừa nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và chia sẻ rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ cho họ thêm vũ khí, đạn dược và các hỗ trợ an ninh khác có tổng trị giá 800 triệu USD. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho chính quyền Kiev những ‘khả năng tự vệ’”, trang web Nhà Trắng dẫn lời ông Biden nói.
“Những ‘khả năng tự vệ’ mới bao gồm các hệ thống pháo binh, đạn pháo và xe bọc thép chở quân. Tôi cũng phê chuẩn việc chuyển thêm nhiều máy bay trực thăng”, Tổng thống Mỹ nói thêm.
Radar AN/TPQ-36
AN/TPQ-36 là hệ thống radar được Mỹ phát triển từ thập niên 1970, nhằm xác định vị trí đạn pháo đối phương được bắn ra, từ đó cung cấp tọa độ cho các hệ thống vũ khí Mỹ hoặc đồng minh phản công.
Theo trang Army Recognition, AN/TPQ-36 có khối lượng 1.542kg; thời gian chuyển từ trạng thái hành quân sang trạng thái tác chiến mất khoảng 15 phút; kíp vận hành 9 người. Radar có thể phát hiện vị trí bắn đạn pháo, đạn súng cối hoặc phóng tên lửa của đối phương lần lượt ở các khoảng cách 14,5km, 18km và 24km, cũng như theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu trên không.
Radar AN/MPQ-64 Sentinel
AN/MPQ-64 Sentinel là radar phòng không được Tập đoàn Thales Raytheon Systems của Mỹ thiết kế và trang bị trong quân đội vào đầu những năm 2000. Hệ thống này có nhiệm vụ phát hiện, theo dõi, xác định và phân loại mục tiêu của đối phương, trong đó gồm máy bay trực thăng, tiêm kích, tên lửa hành trình hoặc các loại máy bay không người lái (UAV).
Dữ liệu được trang Missile Defense Advocacy công bố cho thấy, AN/MPQ-64 Sentinel có thể theo dõi các mục tiêu đối phương bay ở độ cao 40km, với tầm hoạt động tối đa đạt 75km.
Xe thiết giáp M113
M113 là xe thiết giáp chở quân (APC) được quân đội Mỹ đưa vào biên chế từ năm 1960. Xe được thiết kế để chở theo khoảng 11-15 lính cùng các trang thiết bị chiến đấu của họ, đồng thời bảo vệ những người lính này khỏi hỏa lực từ súng trường tấn công của đối phương.
Theo trang Military Today, M113 nặng 14 tấn; dài 5,3m; rộng 3m và cao 1,85m. Xe được trang bị một động cơ Chrysler 75M có công suất 209 mã lực, nên M113 có thể di chuyển với vận tốc 66 km/h trên địa hình bằng phẳng, với phạm vi hoạt động lên tới 483km. Còn khi lội nước, vận tốc di chuyển của xe đạt khoảng 5,8 km/h.
Trực thăng Mi-17
Theo hãng tin AP, gói viện trợ lần này của Mỹ có 11 trực thăng Mi-17. Hiện chưa rõ số trực thăng trên sẽ là phiên bản vận tải hay biến thể vũ trang.
Mi-17 là trực thăng được quân đội Liên Xô đưa vào trang bị vào năm 1981. Mi-17 có chiều dài 25,35m; chiều dài thân máy bay 21,29m; chiều cao 3,82m.
Theo Military Today, trọng lượng rỗng của Mi-17 đạt gần 7,1 tấn; trọng lượng cất cánh tối đa là 13 tấn, tức là máy bay có thể chở 24 binh sĩ được trang bị đầy đủ vũ khí hoặc 4-5 tấn hàng hóa. Kíp lái gồm 3 người. Mi-17 được lắp 2 động cơ cánh quạt Klimov TV3-117MT, với công suất 1.874 mã lực/chiếc. Nhờ vậy, trực thăng có thể bay với vận tốc tối đa 250 km/h, và tầm hoạt động đạt gần 500km.
UAV Switchblade
Theo Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, gói viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine sẽ gồm 300 máy bay không người lái (UAV) Switchblade được trang bị các camera cảm biến, hệ thống dẫn đường và thuốc nổ. Loại UAV này có thể được điều khiển bay lượn quanh chiến trường, trước khi sà xuống tiêu diệt mục tiêu đối phương trên mặt đất.
Dù vậy, ông Kirby không nêu rõ phiên bản nào của Switchblade sẽ được cung cấp cho Ukraine. Bởi phiên bản Switchblade 300 hiện trong biên chế quân đội Mỹ được dùng để tiêu diệt binh sĩ của đối phương, còn phiên bản Switchblade 600 lớn hơn được sử dụng để phá hủy các mục tiêu như tăng-thiết giáp.
>>> Cập nhật tình hình chiến sự Nga - Ukraine hôm nay
Tuấn Trần