Theo Insider, vũ khí chủ yếu được quân đội Nga sử dụng trong "hoạt động đặc biệt" tại Ukraine là các loại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm gần. Sau hơn 5 tháng, Moscow đã phóng hơn 1.000 quả tên lửa thuộc đủ chủng loại, từ các tên lửa có hệ thống dẫn đường hiện đại cho tới những tên lửa từ thời Liên Xô.
Tên lửa được phóng từ trên biển
Rất nhiều tên lửa Nga đã được phóng đi từ trên các chiến hạm hoặc tàu ngầm, nổi bật nhất trong số này là tên lửa hành trình 3M-14 Kalibr, hay được các nước NATO gọi là SS-N-30A. Kalibr là một trong những tên lửa hiện đại nhất của quân đội Nga, được đưa vào thực chiến lần đầu tiên năm 2015. Thời điểm đó, các tàu chiến Nga ở biển Caspi đã bắn 26 quả Kalibr vào các mục tiêu ở Syria từ khoảng cách 1.800km.
Tên lửa Kalibr là vũ khí sở hữu nhiều biến thể nhằm đối phó với các mục tiêu khác nhau như chiến hạm, tàu ngầm hay các mục tiêu mặt đất. Tên lửa hành trình này sở hữu khả năng tấn công chính xác trong tầm 1.600-2.400km nhờ công nghệ định vị vệ tinh. Về sức công phá, Kalibr mang theo 450kg thuốc nổ, có thể so sánh với tên lửa Tomahawk của Mỹ.
Bên cạnh Kalibr, hải quân Nga cũng đang sử dụng tên lửa hành trình chống hạm P-800 Onik, được NATO gọi là SS-N-26 Strobile. Đây là tên lửa tầm gần, hiệu quả nhất trong khoảng cách 320km, sở hữu tốc độ tối đa Mach 2. Đầu đạn của Onik có thể mang theo từ 200-250kg chất nổ.
Tên lửa Onik được đưa vào biên chế từ năm 2002, chủ yếu sử dụng cho các tàu ngầm. Tới năm 2015, hải quân Nga chính thức vận hành hệ thống thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động Bastion, cho phép phóng Onik từ các hệ thống mặt đất.
Tên lửa phóng từ mặt đất
Trong các cuộc giao tranh liên tục tại Ukraine, vai trò của tên lửa được phóng từ mặt đất trở nên vô cùng quan trọng, đây cũng là phương án tập kích chủ yếu của Moscow. Trong số các tên lửa mặt đất, 2 cái tên đáng chú ý nhất là Tochka-U và Iskander-M, đại diện cho quá khứ và hiện tại của tên lửa Nga.
Tochka-U hay được NATO định danh là SS-21 Scarab được giới thiệu lần đầu năm 1989, là phiên bản cải tiến của Tochka do Liên Xô sản xuất từ năm 1975. Tên lửa này được bắn từ một bệ phóng có thể tháo rời, có tầm bắn 120km, có khả năng mang theo đầu đạn nổ, đầu đạn phân mảnh hoặc đầu đạn hạt nhân.
Iskander-M hay tên định danh NATO là SS-26 Stone được ra mắt vào năm 2006, cũng là người thay thế cho Tochka-U. Tên lửa này có tầm hoạt động 400-500km, có thể mang theo 480-700kg thuốc nổ. Ngoài ra, Iskander-M cũng có thể sử dụng đầu đạn nhiệt áp, đầu đạn phân mảnh, đầu đạn hạt nhân. Vệ độ chính xác, Iskander-M vượt trội hơn Touchka-U khoảng 18 lần.
Tên lửa phóng từ bầu trời
Các cuộc giao tranh trên bầu trời đang chứng kiến việc Nga không thể chiếm được ưu thế trước Ukraine. Nhưng điều này cũng không ngăn Moscow tiếp tục phóng các tên lửa hành trình hiện đại từ trên không, nổi bật nhất là tên lửa hành trình Kh-101 và tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal.
Kh-101 được giới thiệu vào năm 2012, có tầm bắn 2.400-2.700km, có thể mang theo đầu đạn nổ 405kg, đầu đạn phân mảnh hoặc đầu đạn hạt nhân. Việc được dẫn đường bằng vệ tinh khiến cho xác suất bắn trượt của tên lửa này là tương đối thấp.
Trong khi đó, Kinzhal là tên lửa hiện đại bậc nhất của Nga, và là một trong số ít những vũ khí siêu thanh đang được sử dụng trên thế giới. Tuy nhiên, vị thế độc tôn của Kinzhal có thể biến mất trong tương lai gần, bởi tên lửa siêu thanh Zircon đã sắp sửa được đưa vào biên chế theo lời Tổng thống Putin.
Tên lừa này có thể phóng từ tiêm kích MiG-31 hoặc các máy bay dội bom chiến thuật với tầm bắn 1.600-1.900km, mang theo đầu đạn nổ 450kg. Sự đáng sợ của Kinzhal đến từ tốc độ Mach 10 cũng như khả năng điều hướng khi bay, khiến cho tên lửa này gần như không thể bị đánh chặn ở thời điểm này.
Bên cạnh các tên lửa hiện đại, không quân Nga cũng sử dụng các tên lửa cũ kỹ như Kh-22 ra mắt vào năm 1968 hay Kh-55 sản xuất vào năm 1984. Các tên lửa này đều có tầm bắn gần và có độ chính xác không cao, ưu điểm duy nhất là sức công phá khá lớn với đầu đạn nổ 400kg.
Việt Dũng